MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Chứng khoán bốc hơi 1,8 tỉ USD: Vì đâu nên nỗi?

P.Đ LDO | 24/10/2018 08:13
Kết thúc phiên chiều ngày 23.10, chỉ số VN Index có lúc lao dốc về 920 điểm, bốc hơi hơn 1,8 tỉ USD. Nguyên nhân nào đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trong phiên giao dịch này?.

Chốt phiên giao dịch ngày 23.10, VN-Index giảm gần 14 điểm (tương đương 1,45%), còn 939,68 điểm.

VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, giảm 11,34 điểm (1,23%) còn 908 điểm.

Mã VNM cùa Vinamilk bị khối ngoại bán ròng hơn 440.000 cổ phiếu, mất 2.300 đồng, còn 123.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó mã VJC của Hàng không Vietjet cũng bị khối ngoại bán ròng 194.000 cổ phiếu, mất 2.000 đồng, còn 127.000 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại giảm áp lực bán ròng lên mã VIC của Tập đoàn Vingroup nên cổ phiếu VIC chỉ giảm nhẹ 600 đồng, 98.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, mã HPG của Tập đoàn Hòa Pháp chỉ giảm nhẹ 700 đồng, còn 39.400 đồng/cổ phiếu, mặc dù khối ngoại bán ròng đến gần 1 triệu cổ phiếu.

Hầu hết cổ phiếu lớn (bluechip) đều lao dốc. Cổ phiếu MWG của Thế giới Di Động mất 5.200 đồng, PNJ mất 2.500 đồng, PLX mất 2.400 đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán lao dốc có thể do chỉ số chứng khoán của thị trường thế giới đều suy giảm.

Chỉ số kỳ hạn Mỹ đã giảm điểm vào thứ Ba khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới bán tháo cổ phiếu.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm ngay đầu phiên, với một số chỉ số chính chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua.

Thị trường Châu Á kết thúc phiên giảm mạnh sau khi tăng mạnh hôm thứ hai. HSI giảm 2,92%, Nikkei giảm 2,67%, Shanghai giảm 2,26%.

Cuộc lao dốc chứng khoán bắt đầu vào cuối ngày thứ Hai. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đóng cửa giảm 0,5% và chỉ số S&P 500 giảm 0,4%. Chỉ số Nasdaq đã có xu hướng tăng 0,3%.

Mặt khác, lãi suất tăng cũng gây sức ép lên thị trường chứng khoán. 

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), họ sẽ tăng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm 2018. Năm 2019, Fed có thể tăng tiếp 3 lần, và 1 lần vào năm 2020 với mức lãi suất mục tiêu là 3.25%.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE hơn 30,26 nghìn tỉ. Tuy nhiên, giá trị mua ròng này tập trung chủ yếu ở giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị lên đến 46,3 nghìn tỉ đồng. Nếu chỉ xét riêng giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại bán ròng 16.000 tỉ đồng. 

Với tâm lý suy yếu, bất kỳ một động thái bán nào với khối lượng lớn từ các tổ chức cũng dễ dàng tác động lên thị trường và kéo theo làn sóng bán tháo kế tiếp.  

Nhìn về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, khối này đã có đến 5 phiên bán ròng trong số 6 phiên gần đây, với tổng giá trị bán ròng lên đến hơn 606 tỉ đồng.

Riêng trong phiên hôm 23.10, khối ngoại tiếp tục tập trung bán ròng tại các mã vốn hóa lớn như VNM bị bán ròng hơn 54 tỉ đồng, VJC 29,5 tỉ đồng, VHC 28,5 tỉ đồng, HPG gần 24 tỉ đồng, VCB 13,3 tỉ đồng và và MSN 12,9 tỉ đồng.  Ngược lại ở chiều mua vào có các mã như BID được mua ròng 40,5 tỉ đồng, SBT 35 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn