MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán châu Á trượt dốc do lo ngại FED tăng lãi suất

Quý An (theo Taipei Times) LDO | 25/12/2022 17:28
Kết thúc tuần vừa qua, chứng khoán châu Á lại chứng kiến một cuộc trượt dốc do lo ngại về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).

Cụ thể, giới đầu tư lo ngại FED sẽ tiếp tục giữ quan điểm mạnh tay trong chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường lao động ở Mỹ vẫn eo hẹp, trong khi nền kinh tế số một thế giới đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự kiến. Các nhà đầu tư đang băn khoăn rằng lãi suất mục tiêu của FED có thể tăng cao hơn và duy trì lâu hơn dự kiến trước đây, làm tăng khả năng suy thoái kinh tế.

Tony Sycamore - Nhà phân tích thị trường tại IG - cho biết dữ liệu này “làm dấy lên lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vào năm 2023 sẽ là điều cần thiết để hạ nhiệt lạm phát”.

Chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dốc trong tuần qua do lo ngại về chính sách tiền tệ của FED. Ảnh: Xinhua

FED trước đó đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 12 sau bốn lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp trong năm 2022. Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết sẽ đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn vào năm tới ngay cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục không có nhiều biến động, trong khi chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) lại giảm. Việc này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chống chọi với số ca mắc COVID-19 tăng vọt, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ chính sách nghiêm ngặt “zero-COVID” để ngăn chặn virus.

Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,28% xuống 3.045,87, mất 3,85% theo tuần; trong khi Hang Seng của Hồng Kông giảm 86,16 điểm, tương đương 0,44%, xuống 19.593,06, nhưng tăng 0,73% trong tuần.

Tại Đài Bắc (Trung Quốc), TAIEX đóng cửa giảm 171,31 điểm, tương đương 1,19%, ở mức 14.271,63. Tổng doanh thu là 150,444 tỉ Đài tệ (4,89 tỉ USD), giảm 1,77% so với một tuần trước đó.

Một số dữ liệu cũng cho thấy lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản vào tháng trước đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua là 3,7%. Nguyên nhân do các công ty tiếp tục chuyển chi phí gia tăng sang các hộ gia đình. Điều này gây nghi ngờ về quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rằng lạm phát do chi phí cao gần đây sẽ chỉ là tạm thời.

Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 1,03% xuống 26.235,25 (mất 4,69% trong tuần), TOPIX giảm 0,54% xuống 1.897,94 (giảm 2,68% trong tuần).

Tại Seoul (Hàn Quốc), KOSPI mất 1,83% xuống còn 2.313,69, ghi nhận mức giảm hàng tuần là 1,96%, trong khi S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,63% xuống 7.107,7 (giảm 0,57% hàng tuần).

SENSEX của Ấn Độ giảm 1,61% xuống 59.845,29, giảm 2,43% so với một tuần trước đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn