MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 sẽ còn tiếp diễn khi thị trường chứng khoán giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Có nên tiếp tục bắt sóng kết quả kinh doanh quý IV?

Thế Lâm LDO | 05/02/2022 07:27

Đợt công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán HoSE, HNX và UpCom vẫn chưa kết thúc thì thị trường đã bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp công bố?

Chính vì thế, câu hỏi đặt ra tại thời điểm này khi thị trường còn hơn 2 ngày nữa mở cửa giao dịch trở lại, là: Có nên tiếp tục đón sóng từ kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết hay không, hay ít nhất là bắt sóng từ các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhưng chưa kịp công bố trước Tết?

Theo thống kê tới thời điểm trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày, sàn HoSE đã có 228/404 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021, đạt hơn 56%. Tỉ lệ này đối với sàn HNX và UpCom lần lượt là 76% (HNX: 261/343 doanh nghiệp công bố) và trên 30% (UPCOM: 268/895 doanh nghiệp công bố).

Như vậy có thể thấy, đối với 2 sàn lớn là HoSE và HNX, vẫn còn gần 50% và khoảng 25% số doanh nghiệp chưa công bố, theo đó cơ hội xem xét để bắt sóng vẫn còn.

Còn đối với sàn UpCom, cơ hội còn nhiều khi còn tới khoảng 70% doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021.

Các ngành đã có nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021 trên cả 3 sàn gồm: Cảng biển, khai thác quặng, dầu khí, chứng khoán, thủy sản, phân phối vật liệu xây dựng, bất động sản, xây dựng sản xuất và phân phối điện, sản xuất thiết bị điện, dược phẩm, hóa chất, nhựa, thép, sản xuất thực phẩm, cao su, vận tải đường thủy, vật liệu xây dựng và nội thất.

Bắt sóng theo kết quả kinh doanh hay theo kỳ vọng 2022?

Đây là vấn đề nhà đầu tư thường không thể tự phân tích một cách rạch ròi được. Tuy nhiên, từ phía tư vấn là các chuyên viên từ các công ty chứng khoán, lời khuyên đưa ra là không nghiêng hẳn về một yếu tố nào.

Đơn cử như nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết đã có sự bứt phá mạnh mẽ và nhiều cổ phiếu đã xác lập đỉnh giá mới.

Nhóm này cũng được khối ngoại và tự doanh mua mạnh trước Tết. Trong khi đó, theo nhận định và khuyến nghị của đa số các công ty chứng khoán, khả năng nhóm ngân hàng tiếp tục có sóng sau Tết vì kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2022.

Như vậy đối với nhóm ngân hàng, 2 yếu tố được khuyên xuống tiền là kết quả kinh doanh năm 2021 và kỳ vọng vào năm 2022. Yếu tố thứ hai thậm chí được đánh giá cao và tác động đến diễn biến giá nhiều hơn.

Trong khi đó, nhóm thép kết năm 2021 có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong mơ, kỳ vọng năm 2022 khi chương trình hồi phục kinh tế và đầu tư công được thúc đẩy nhóm này cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, các dự báo gần và khuyến nghị trước Tết rất ít cho rằng nên bắt sóng vào nhóm cổ phiếu này ngay sau Tết.

Có chút tương tự là nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận và nếu chưa công bố thì các dự báo sớm về kết quả kinh doanh cũng khá chính xác, đạt ở mức lợi nhuận trong năm 2021.

Tuy nhiên, các khuyến nghị khá thận trọng vì kỳ vọng lợi nhuận của nhóm này trong năm 2022 khó phá được kỷ lục nền cao đã thiết lập trong năm 2021. Cho thấy, việc bắt sóng từ kết quả kinh doanh tốt quý IV và cả năm 2021 trong nhiều trường hợp cần gắn với kỳ vọng của chính doanh nghiệp đó trong năm 2022. Những doanh nghiệp niêm yết nào có được cả 2 yếu tố này sẽ được đánh giá cao hơn, nghĩa là cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh khả quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn