MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán tuần qua đã xảy ra phiên giảm bất ngờ hơn 40 điểm của VN-Index. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Đằng sau phiên giảm hơn 40 điểm và bán tháo trong tuần qua

Thế Lâm LDO | 24/04/2021 07:26

Tuần giao dịch vừa qua có 4 phiên giao dịch (19, 20, 22 và 23.4) và chỉ số chứng khoán VN-Index vẫn có thêm gần 10 điểm. Tuy nhiên, dư luận nhà đầu tư vẫn không ít băn khoăn về phiên giảm sâu hơn 40 điểm ngày 22.4.

Tuần giao dịch nếu chỉ tính tới phiên ngày 22.4 thì vẫn mất hơn 10 điểm. Phiên giảm điểm ngày 22.4 xảy ra được xem là bất ngờ. Bởi trong 2 phiên giao dịch trước đó tính từ đầu tuần, VN-Index vẫn trong mạch tăng, với mỗi phiên tăng hơn 8 điểm.

Những rung lắc xảy ra được xem là chuyện bình thường trong nhiều phiên trở lại đây của VN-Index khi thị trường đã có mạch tăng dài. Cụ thể, trong khoảng 3 tuần qua chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng khoảng 95 điểm, tương ứng mức tăng khoảng 8%.

Phiên giao dịch ngày 22.4 diễn ra, thị trường giảm điểm từ thời điểm mở cửa, tuy nhiên mức dao động giảm không quá cao, chủ yếu diễn biến rung lắc, giằng co trước vùng kháng cự 1.270-1.280 điểm. Tuy nhiên, từ phiên chiều trở đi, mức giảm điểm ngày càng tăng.

Và đặc biệt từ thời điểm khoảng 14h, VN-Index lao dốc mạnh hơn khi lực bán gia tăng. Nhiều lệnh thị trường (lệnh MP) được tung ra bán với bất cứ giá khớp nào đã kéo VN-Index nhanh chóng giảm sâu. Trước khi bước vào phiên ATC, chỉ số giảm hơn 20 điểm. Tuy nhiên phiên ATC đã kéo chỉ số giảm thêm với mức hơn 40 điểm, đưa VN-Index về gần ngưỡng hỗ trợ cứng 1.220-1.225 điểm.

Ngay trong phiên, nhiều diễn đàn, nhóm đầu tư chứng khoán cho rằng, trước tình hình “căng margin” (cho vay giao dịch kí quĩ) từ các công ty chứng khoán nên các khoản vay bị siết lại khiến những nhà đầu tư có tỉ trọng margin cao được cảnh báo và phải bán xả hàng để giảm tỉ trọng vay.

Và cũng có thông tin, tỉ lệ cho vay chứng khoán đang ở mức cao và đang bị soi chặt trong thời gian tới, đã tác động tới tâm lí giao dịch trên thị trường.

Bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - nhận định, đây chính là yếu tố khiến lực bán mạnh trên thị trường góp phần kéo giảm mạnh chỉ số VN-Index.

Không chỉ đối với những nhà đầu tư kinh nghiệm lâu năm buộc phải bán ra giảm tỉ trọng margin, mà những nhà đầu tư mới có vay margin càng cuống cuồng lo lắng phải bán tháo để đưa tài khoản về mức an toàn.

Tuy nhiên, những thông tin sau đó được khẳng định từ cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước diễn ra ngay trong chiều ngày 22.4 cho biết, ước tính đến thời điểm ngày 31.3.2021, dư nợ lĩnh vực đầu tư chứng khoán đạt khoảng 45.326 tỉ đồng, giảm khoảng 1% so với thời điểm cuối năm 2020.​

Như vậy, thông tin các công ty chứng khoán bị “căng margin” (cho vay margin sắp tới ngưỡng tối đa) nếu có xảy ra cũng chỉ ở một số công ty chứ không toàn bộ. Tuy nhiên, thông tin này khi lan truyền trong các cộng đồng đầu tư chứng khoán đã khiến không ít nhà đầu tư lo lắng, sợ bị call margin (công ty chứng khoán gọi điện cảnh báo) hoặc force-sell (bị buộc bán ra để trả nợ vay margin).

Đặc biệt là những nhà đầu tư mới ít kinh nghiệm, khi giá lên mua vào thiếu tính toán về cơ cầu dòng tiền, đến khi phải bán ra trong phiên thị trường đang giảm không khớp ngay được đâm ra phải dùng lệnh MP khiến cho VN-Index càng bị kéo xuống nhanh chóng.

Tất nhiên, khi lực bán ra mạnh với lệnh MP thì cũng sẽ có những nhà đầu tư lớn chuẩn bị sẵn tiền mặt nhiều trong tài khoản mua vào khi giá nhiều cổ phiếu đã xuống tới mức hấp dẫn.

Và cho đến phiên ngày 23.4, khi tâm lí thị trường ổn định trở lại, thị trường hồi phục với VN-Index tăng mạnh đến hơn 20 điểm, không ít nhà đầu tư mới cảm nhận rõ hơn hậu quả của một phiên bán tháo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn