MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán: Đầu tư vào đâu để đánh bại "bóng ma" lạm phát?

Đức Mạnh LDO | 14/06/2022 16:13
Tác động của lạm phát đến Việt Nam sẽ ra sao? Nhà đầu tư chứng khoán nên làm gì lúc này?

Ảnh hưởng của lạm phát tới Việt Nam 

Đối với nền kinh tế nói chung, khi lạm phát gia tăng thì sức cạnh tranh của nền kinh tế thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội - cho biết: "Từ khâu về tài chính như cho vay, đến khâu về vận tải, vận chuyển đều bị gia tăng. Bởi tác động từ giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu".

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) - chỉ ra 2 yếu tố của lạm phát tại Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất là hành động của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Nếu theo hướng tăng lãi suất lên để kiềm chế lạm phát thì sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam và cũng tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất trong nước.

Thứ hai, Việt Nam rất chủ động trong nhiều nguồn nhiên liệu thô liên quan đến chuỗi thực phẩm. Do đó ảnh hưởng của lạm phát tới Việt Nam không quá lớn như Châu Âu hay Bắc Mỹ. Những điều chỉnh về chính sách tiền tệ sẽ thấp hơn những quốc gia đó và cũng không quá ảnh hưởng đến những khoản đầu tư của nhà đầu tư.

Đánh giá lại cổ phiếu đang nắm giữ

Trước lo ngại về lạm phát, về phía doanh nghiệp, ông Quốc Anh đề xuất nên tập trung vào tài chính, đặc biệt là phải trích lập phòng quỹ dự phòng rủi ro. Thứ hai là tập trung vào những thị trường mà có khả năng đáp ứng được. Đó có thể là thị trường nội địa - nơi mà rất nhiều doanh nghiệp bỏ ngỏ về sản lượng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên có bộ máy chuyên biệt để hấp thụ những chính sách mà cơ quan quản lý ban hành, đặc biệt ở những lĩnh vực như thuế.

Vị Phó Chủ tịch nhấn mạnh: "Để tham gia tối đa vào những chuỗi cung ứng, chúng ta phải tập trung vào những sản phẩm có độ tinh xảo và đầu tư về sáng tạo. Phải tập trung đào tạo những nguồn nhân lực cao, nếu không thì khó có thể đi vào những nền kinh tế hiện đại mà chúng ta muốn hội nhập thành công".

"Lạm phát tăng cao chưa chắc là điều không tốt cho đầu tư. Nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội, giá cả gia tăng, thậm chí doanh thu cũng gia tăng. Vì thế nên vẫn có cơ hội ở đâu đó cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên lạm phát cao là giai đoạn với nhiều thị trường tài chính khác nhau nên nhà đầu tư cần dành nhiều thời gian hơn để đánh giá lại những cổ phiếu đang nắm giữ", ông Long cho biết.

Cụ thể, nhà đầu tư cần xem xét cổ phiếu nắm giữ có thuộc dòng sản phẩm thiết yết hay hưởng lợi từ xu hướng giá cả gia tăng hay không. Nhóm ngành cơ bản như năng lượng, điện, nước, lương thực, thực phẩm, hoá chất, vật liệu... là những nhóm ngành mà khi giá cả tăng sẽ được hưởng lợi vì sản lượng của họ tăng theo, cộng theo đầu ra cũng gia tăng tương ứng.

Ông Quốc Anh gợi ý công nghệ thông tin, phần mềm, du lịch (cụ thể là du lịch trải nghiệm) hay dệt may, da giày cũng là những ngành chủ lực mũi nhọn trong thời gian vừa qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn