MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quản trị rủi ro là điều cần thiết cả khi thị trường chứng khoán tăng hoặc giảm. Ảnh: Đức Mạnh

Chứng khoán: Đề cao quản trị rủi ro trước luồng tin liên tục đảo chiều

Đức Mạnh LDO | 18/03/2023 15:00

Trước luồng thông tin liên tục đảo chiều, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng vẫn là cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư chứng khoán mải chạy theo tin tức thì sẽ khó có quản trị danh mục.

Khó quản trị danh mục nếu mải chạy theo tin tức

Hai tuần qua, thị trường tài chính đón nhận rất nhiều thông tin quan trọng như ngân hàng Silicon Valley và Signature phá sản đến kỳ vọng FED sẽ tăng tiếp lãi suất. Mọi thứ dường như "quay xe" sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và Mỹ xử lý sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính một cách nhanh chóng.

Là "hàn thử biểu" của nền kinh tế, thị trường chứng khoán đã lập tức rung lắc mạnh. VN-Index từ chỗ tăng tốt 2,75% trong tuần trước đã quay đầu giảm nhẹ 0,75% trong tuần này. Nhịp vận động trong xu hướng khó xác định do ảnh hưởng đan xen và lan toả của tin tức. Do đó nếu nhà đầu tư mua bán theo từng nhịp thông tin trên mà không giỏi trong việc "lướt sóng" thì sẽ chịu thiệt hại không nhỏ trong danh mục của mình.

Trước luồng thông tin liên tục đảo chiều, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư tại SSI Research - cho rằng, vấn đề quan trọng vẫn là cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư cứ mải chạy theo tin tức thì sẽ khó thể quản trị danh mục. Thay vào đó nên tập trung vào cổ phiếu của mình để kiên định với định hướng đầu tư.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tin tức trong quá trình đầu tư chứng khoán. Nhưng nếu như việc đầu tư phụ thuộc hoàn toàn vào tin tức thì đó sẽ gọi là chơi chứng khoán chứ không phải đầu tư chứng khoán. 

Khẩu vị rủi ro với mỗi người là khác nhau

Với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA Capital - nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là làm sao để biến động của thị trường tài chính không ảnh hưởng tới trạng thái đầu tư.

Xét trong tài chính cá nhân, ông Tuấn cho biết, chứng khoán nằm ở lớp tài sản tăng trưởng trong tháp tài sản. Khi rủi ro hệ thống xảy ra, nhà đầu tư nên chuyển dịch chứng khoán xuống lớp tài sản có tính bảo vệ nhiều hơn. 

Nhiều người thắc mắc liệu quy tắc 40/30/20/10, lần lượt là tài sản phòng vệ, tài sản đem lại thu nhập, tài sản tăng trưởng, tài sản rủi ro liệu có phải mẫu số chung để áp dụng trong đầu tư hay không? Ông Tuấn cho rằng, hoàn toàn không có tỉ lệ vàng trong phân bổ tài sản. 

"Tài chính cá nhân chỉ đúng với từng cá nhân. Bạn phải xác định năng lực tài chính, khẩu vị rủi ro của mình và tình hình thị trường để liên tục xoay chuyển những tài sản đó. Quan trọng nhất vẫn là tính phù hợp với từng người" - chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Người đứng đầu AFA Capital thường nhìn từ yếu tố vĩ mô quốc tế và trong nước, sau đó phân tích ngành rồi mới chọn cổ phiếu. Ông chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp mình phân tích rất kỹ. Còn nếu nhà đầu tư mua theo tin đồn và lời khuyên thì chắc chắn sẽ bán ra cũng vì nguyên nhân tương tự. 

Còn ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) - nói: "Trước khi đưa ra quyết định mua một cổ phiếu, nhà đầu tư thường kỳ vọng về lợi nhuận nhưng điều cần làm nên là lường trước rủi ro sẽ là gì. Đồng thời việc nhà đầu tư cần bảo toàn về vốn trên thị trường cũng rất quan trọng".

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng tại Chứng khoán SSI - tin rằng, đầu tư khác với đánh bạc ở khâu quản trị rủi ro. Mỗi cơ hội đầu tư đều có rủi ro tương ứng, chính vì vậy nhà đầu tư phải có kiến thức, kỹ năng và cả tâm lý vững vàng để đưa ra những quyết định giao dịch đúng đắn nhất.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn