MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán: Đề xuất hạ hạn mức cho vay ký quỹ để hút tiền khối ngoại

Đức Mạnh LDO | 02/06/2022 08:17

Theo các chuyên gia, "call margin" dễ gây ra hiệu ứng domino, làm thiệt hại cho nhà đầu tư và cả thị trường. Hạ hạn mức cho vay ký quỹ còn kích thích dòng tiền khối ngoại và đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Call margin" dễ gây hiệu ứng domino, thiệt hại cho nhà đầu tư và thị trường

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), khi chứng khoán thăng hoa, dòng tiền vay ký quỹ (margin) đổ vào ồ ạt. Đến khi thị trường giảm 20%, nhà đầu tư lập tức bị "call margin" khiến thị trường lao dốc theo sau. Tuy nhiên, lúc chứng khoán khó khăn và giao dịch lèo tèo thì cơ quan quản lý lại chưa có giải pháp khả thi.

Trước vấn đề trên, ông Hải khuyến nghị: "Trong ngắn hạn, cần hạ mức giao dịch ký quỹ để tránh áp lực tài chính cho nhà đầu tư bị "call margin" khi thị trường đi xuống. Bán giải chấp sẽ dễ gây ra hiệu ứng domino, làm thiệt hại cho nhà đầu tư và cả thị trường".

Bên cạnh đó về Pre-Funding, tức nhà đầu tư nước ngoài mua bán chứng khoán khi không có tiền trong tài khoản. Theo giới chuyên gia, giải pháp để dòng tiền ngoại tham gia là một trong những tiêu chí mà MSCI cũng như FTSE Russel đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán của một quốc gia.

Ông Trần Hải Hà - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán MB (MBS) đề xuất: "Nhà đầu tư nước ngoài muốn giao dịch thì phải có tiền. Nếu trong thời gian tới, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có thể hạ tỉ lệ giao dịch ký quỹ, giờ đang là 100% về 20% - 30% thì sẽ kích thích thanh khoản và giải quyết vấn đề này".

  Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Áp lực margin hạ nhiệt, triển vọng dần trở lại

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Founder FIDT, chỉ trong gần 2 tháng thị trường điều chỉnh vừa qua, lượng margin ở một số công ty chứng khoán được thống kê đã giảm khá mạnh 24,5%, từ mức 86.400 tỉ đồng về mức 65.200 tỉ đồng.

Nếu áp dụng tỉ lệ giảm 24,5% lên toàn thị trường, lượng cho vay margin được "giải phóng" trong 2 tháng qua có thể lên tới 46.000 tỉ đồng, từ mức 182.000 tỉ đồng giảm về 136.000 tỉ đồng.

Tính đến hết quý I/2022, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán (không bao gồm cho vay 3 bên) đã lên mức cao nhất lịch sử với khoảng 200.000 tỉ đồng, tương đương 8,7 tỉ USD, tăng nhẹ khoảng 5.000 tỉ so với quý trước.

Quỹ AFC Vietnam Fund nhận định áp lực từ nợ vay margin không còn cao khi dư nợ hiện giảm 30 - 40%. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đang tăng cường giám sát thị trường, lực mua và bán đang ở giai đoạn cuối của đợt “tranh chấp”, tâm lý sợ hãi vẫn còn nhưng tâm lý tham lam đã xuất hiện... 

Nhận định về thị trường chứng khoán trong dài hạn, công ty chứng khoán Tân Việt vẫn giữ quan điểm tích cực.

Theo đó, các chỉ báo vĩ mô ở Việt Nam duy trì ở mức ổn định, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu 6,5% trong năm 2022. Nhiều ngành, lĩnh vực đang ghi nhận kết quả hoạt động tốt hơn những năm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nổi bật là xuất nhập khẩu. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 242,19 tỉ USD, tăng 16,1%; xuất siêu ước tính đạt 2,53 tỉ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2021. 

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp nhìn chung tăng trưởng tốt. Trong đó, các doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 48,4%. Các doanh nghiệp tài chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm có lợi nhuận ròng tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chỉ số P/E hiện tại của thị trường chung đang ở vùng định giá hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Chưa kể triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sẽ là động lực quan trọng của thị trường trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn