MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán vẫn chưa thể hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Giá cổ phiếu thép đang… hạ nhiệt cho có, nửa vời?

Thế Lâm LDO | 12/05/2021 22:09

Phiên giao dịch chứng khoán hôm qua ngày 11.5, giá của nhiều cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG, TLH… đều giảm khá mạnh do lực bán chốt lời, đặc biệt là càng về cuối phiên. Tuy nhiên trong phiên giao dịch hôm nay 12.5, giá của nhiều cổ phiếu thép nhanh chóng đảo chiều.

Giá cổ phiếu giảm vì chốt lời

Trong phiên giao dịch ngày 11.5, các mã như HPG, HSG, NKG, TLH đã giảm mạnh ngay từ đầu phiên. Cổ phiếu thép giảm nhiệt trong phiên này liên quan tới nhiều cảnh báo trước đó, cụ thể từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc mua đuổi giá cổ phiếu thép có thể dẫn đến rủi ro lớn khi xảy ra đảo chiều, trong khi cổ phiếu chưa thể về tài khoản vì khoảng thời gian T+.

Thêm nữa, khi cổ phiếu thép đảo chiều do lực bán ra chốt lời của nhiều nhà đầu tư với mức lợi nhuận đã đạt kì vọng, có thể tác động đến thị trường chung khiến chỉ số VN-Index bị kéo giảm.

Điều này đã xảy ra trong phiên giao dịch ngày 11.5. Trong phiên sáng, VN-Index có thời điểm tăng hơn 12 điểm, đẩy chỉ số vượt qua khỏi đỉnh cũ 1.268,28 điểm thiết lập từ ngày 22.4. Tuy nhiên về phiên chiều và đặc biệt càng về cuối phiên giao dịch, cổ phiếu thép góp sức cùng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đã kéo chỉ số chung từ chỗ tăng điểm mạnh vào đầu phiên đảo chiều giảm hơn 3,5 điểm khi kết phiên.

Trong phiên này, HPG giảm giá 1,59%, HSG giảm 3,7%, NKG giảm 1,87%, TLH giảm 2,16%... Nhìn chung, mức giảm chưa phải là quá cao cho dù ngay trong phiên chiều, thị trường có thông tin các cơ quan chức năng được chỉ đạo khẩn trương đưa ra các giải pháp, biện pháp kiểm tra, kiểm soát để kìm hãm đà tăng nóng của giá thép trên thị trường.

Trên thực tế, giá thép tăng nóng trên thị trường giúp cho cổ phiếu ngành thép được hưởng lợi trực tiếp khi cũng liên tục tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Vì sao chưa thể hạ nhiệt mạnh?

Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp về xây dựng, bất động sản lại bị ảnh hưởng nặng nề khi giá thép và nguyên vật liệu xây dựng tăng đẩy giá thành sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp ngành này tăng theo, tác động tiêu cực đến lợi nhuận đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn chưa thể hồi phục vì ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Sang phiên giao dịch ngày 12.5, đầu phiên sáng giá cổ phiếu thép dao động giảm nhẹ. Nhưng đà giảm dường như không thể kéo dài thêm khi từ giữa phiên sáng các mã HSG, NKG rục rịch kéo về tham chiếu, và sau đó tăng trở lại dù ở biên độ hẹp.

Vào phiên chiều, các mã cổ phiếu thép tiêu biểu kể trên đã tăng giá đều hơn nhờ vào đà tăng trở lại của thị trường chung khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 trở lại vai trò lực trụ và dẫn dắt thị trường. Kết phiên, HPG tăng giá 1,1%, HSG tăng 0,9%, NKG tăng 1,3%, TLH tăng mạnh tới 5%...

Giá thép giảm nhiệt là mong muốn của nhiều bên từ người tiêu dùng đến các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, và cả các cơ quan quản lí. Tuy nhiên, giá thép tăng cao không phải chỉ là vấn đề tại thị trường Việt Nam, mà đang là vấn đề trên toàn cầu. Sự tăng giá từ khâu nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép chính là quặng sắt, cho tới thép bán thành phẩm và thành phẩm khiến cho chuỗi cung ứng thép toàn cầu đang gặp khó khăn.

Tại những nền kinh tế càng lớn, có mức độ xây dựng càng mạnh và qui mô như Mỹ, Trung Quốc…, giá thép càng tăng chóng mặt.

Đơn cử tại Mỹ, giá thép cuộn cán nóng được cho rằng đã tăng gấp 3 lần trong khoảng 1 năm tính tới thời điểm đầu tháng 5.2021. Thậm chí còn đang có lo ngại rằng, thị trường có thể xảy ra “bong bóng giá thép”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn