MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VN-Index giảm sâu hơn 55 điểm. Ảnh chụp màn hình

Chứng khoán giảm sâu nhất 15 tháng, thanh khoản lập kỷ lục lịch sử

Đức Mạnh LDO | 18/08/2023 15:52

Thị trường chứng khoán ghi nhận đà giảm sâu nhất 15 tháng với giao dịch tăng đột biến và toàn bộ các nhóm ngành "rực lửa".

Trước áp lực tâm lý từ việc cổ phiếu VinFast giảm sâu về mốc 20 USD/cổ phiếu trên sàn NASDAQ, trong nước, mã VIC lập tức rớt sàn. Theo đó, VIC giảm hết biên độ xuống 66.900 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng kỷ lục 26,6 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương 1.809 tỉ đồng.

Cổ phiếu Vingroup giảm cùng chiều với diễn biến của cổ phiếu VinFast tại thị trường Mỹ. Ảnh chụp màn hình

Cùng "họ Vin", cổ phiếu VHM tuột dốc về giá 56.800 đồng/cổ phiếu. VRE "bốc hơi" 4,90% xuống 29.100 đồng/cổ phiếu. Riêng VIC và VHM đã trở thành lực cản chính lấy mất 9,27 điểm khỏi chỉ số VN-Index.

Ngoài đà lao dốc từ nhóm cổ phiếu họ Vin, sắc đỏ rực cũng loang ra khắp thị trường chứng khoán. Số mã giảm gấp gần 5 lần số mã tăng, đi cùng với đó là 265 mã giảm sàn. Toàn bộ các nhóm ngành đều "rực lửa".

Đà giảm lấn át trên thị trường chứng khoán. Ảnh chụp màn hình

Kết phiên giao dịch ngày 18.8, chỉ số VN-Index rớt thảm 55,49 điểm, tương đương 4,50% xuống thẳng mức 1.177,99 điểm. Đây cũng là mức giảm sâu nhất của chỉ số chính tính trong 15 tháng gần đây. VN-Index nhẹ nhàng đánh mất đường MA20, lui sát về đường hỗ trợ quan trọng MA50.

Thanh khoản trên HOSE tăng đột biến lên 36.145 tỉ đồng, tương ứng hơn 1,7 tỉ cổ phiếu đã được giao dịch. Tính chung cả ba sàn, con số này lên tới hơn 42 nghìn tỉ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua cả kỷ lục được xác lập thời kỳ COVID-19.

Ngược chiều dòng tiền nội, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 431 tỉ đồng trên HOSE. Họ tập trung gom ròng hơn trăm tỉ đồng tại VNM, CTG, VHM và VRE.

Bên cạnh đó, trong một ngày thị trường ồ ạt đi xuống vẫn có một số cổ phiếu là điểm sáng. 30 cổ phiếu vốn hoá nhỏ trên sàn UPCOM đua nhau tăng trần, 87 mã xanh giá. Con số này cao hơn nhiều so với trên sàn HOSE và HNX.

Theo một số chuyên gia, diễn biến tiêu cực hôm nay của thị trường chứng khoán có thể chỉ là một nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật. Bởi khi so sánh với thời điểm đầu năm 2020, chứng khoán hiện nay đang có nền tảng vững chắc hơn nhờ kinh tế vĩ mô trên đà phục hồi, lãi suất liên tục giảm, dòng vốn FDI duy trì ổn định...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn