MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán: Hoãn giải ngân, dừng lại quan sát trước bất ổn địa chính trị

Đức Mạnh LDO | 14/02/2022 17:58
Thứ hai đen tối đang bao trùm lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Từ Mỹ, Châu Âu, Châu Á đến Việt Nam, các chỉ số đều rung lắc trước bất ổn địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang.

Phiên giao dịch đầu tuần 14.2, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,43%; Nasdaq rơi tự do 2,78% và S&P 500 mất 1,90%.

Ở thị trường Châu Âu, DAX Index, FTSE 100 và CAC 40 đồng loạt lao dốc khi mất lần lượt  3,36%; 1,95% và 3,14%.

Đà bán tháo lan rộng khắp thị trường chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương khi các chỉ số lớn đều đỏ lửa. Nikkei 225 dẫn đầu đà giảm khi mất tới 2,29%; Hang Seng  giảm 1,41%; Sanghai Com giảm 0,99% và Singapore Straits Times giảm nhẹ 0,12%.

  Tâm lý hoảng loạn bán tháo bao trùm thị trường chứng khoán trong nước. Ảnh chụp màn hình

Từ 9 giờ sáng hôm nay, VNIndex mở gap giảm mạnh, lực cầu bắt đáy cố kéo chỉ số lên nhưng bất thành. Kết phiên, VNIndex mất 29,75 điểm (1,98%) xuống 1.471,96 điểm. Số lượng mã giảm gấp gần 3 lần mã tăng, thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước khi khớp lệnh 27.408 tỉ đồng.

Ngân hàng và chứng khoán là nhóm ngành tác động tiêu cực nhất đến thị trường chung. Điểm sáng hôm nay tới từ nhóm chế biến thuỷ sản, vận tải - kho bãi, tiện ích...

Nhóm cổ phiếu "vàng đen" được kích hoạt đà tăng từ việc giá than quốc tế biến động mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 14.2, giá than tương lai ở mức 245 USD/tấn, tăng 2,5% so với ngày trước đó và tăng 180,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10.2021 khi giá mặt hàng này gần chạm 270 USD/tấn.

Giá than tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh tuần qua. Nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, trong khi nguồn cung gặp khó khăn để theo kịp.

Bên cạnh đó, chính phủ Pháp cũng vừa cho phép các nhà máy điện sử dụng nhiều than hơn trong tháng 1 và tháng 2 để đảm bảo an ninh năng lượng. Tại Trung Quốc, giá than tăng mạnh kể từ khi Indonesia cấm xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, VNIndex đã thủng vùng hỗ trợ 1.480 điểm, nhà đầu tư nên tăng tính phòng thủ, tạm dừng giải ngân mới và hạn chế dùng margin để quan sát thêm.

  Diễn biến các nhóm ngành trong phiên 14.2. Ảnh chụp màn hình

Tuần này là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nên thị trường thông thường sẽ có những biến động mạnh. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư được cho là chịu ảnh hưởng từ những biến động chính trị giữa Nga và Ukraine.

Các cường quốc phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột ở Đông Âu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ các lời kêu gọi rút lui từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều bên khác. 

Chính phủ các nước đã khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Ukraine. Hôm 13.2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan cảnh báo rằng, Nga đang nhanh chóng tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine trong 10 ngày qua.

Ông Wai Ho Leong - chiến lược gia của công ty quản lý tài chính Modular Asset Management tại Singapore - cho biết, giới đầu tư sẽ ngay lập tức chuyển hướng sang các kênh trú ẩn an toàn nếu căng thẳng Nga - Ukraine trở nên xấu đi và thực sự xảy ra xung đột vũ trang. 

Thị trường toàn cầu cũng đang cân nhắc tác động tiềm tàng của lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như các biện pháp mà Cục Dự trữ Liên bang có thể thực hiện.

Bộ Lao động Mỹ tuần trước vừa công bố lạm phát trong tháng 1 đã tăng 7,5%, mức cao nhất kể từ năm 1982. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã lên trên 2%, lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Chủ tịch Fed St. Louis - James Bullard - cho hay, ông ủng hộ Fed nâng lãi suất 1 điểm phần trăm trước tháng 7.2022 để đối phó với lạm phát. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Fed nâng lãi suất 7 lần trong năm nay và mỗi lần sẽ nâng 25 điểm cơ bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn