MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán lao dốc, nhóm thủy sản - cao su vẫn "bội thu"

Đức Mạnh LDO | 18/04/2022 16:06
Một phiên buồn với các nhà đầu tư chứng khoán khi khối lượng các mã giảm giá và giảm sàn ở mức rất lớn. Thuỷ sản, cao su là những điểm sáng để dòng tiền trú ngụ.

Chứng khoán trong nước mở đầu tuần với tâm lý lo lắng. Thị trường đã giảm điểm ngay từ những phút mở cửa. Có lúc chỉ số chung đã mất tới 33 điểm. Kết phiên, VN-Index giảm sâu 25 điểm, tức 1,28 điểm xuống còn 1.432 điểm.

Không một chỉ số nào trụ vững trên tham chiếu. HNX-Index giảm 13,59 điểm, tức 3,26% xuống 403,12 điểm. UPCOM-Index mất 2,15 điểm, tức 1,91% còn 110,21 điểm. VN30 giảm mạnh 25,49 điểm, tức 1,71% xuống 1.468,25 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước với gần 30.000 tỉ đồng. Toàn sàn nhuốm sắc đỏ, số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng. Thậm chí có tới 150 mã bám sàn.

Áp lực bán tháo bao phủ hầu hết thị trường chứng khoán trong phiên 18.4. Ảnh chụp màn hình

Tâm điểm thị trường đổ dồn vào nhóm cao su với đà tăng bất chấp. BRR thậm chí tím trần lên 26.300 đồng/cổ phiếu. CDR, RTB, DRC, DRI có thêm lần lượt 9,76%; 7,44%; 6,23% và 5%.

Theo trang Trading Economics, giá cao su tự nhiên tương lai tại Nhật Bản ngày 18.4 là 276 yên/kg (2.180 USD/tấn), tăng 0,6% so với cuối tuần trước và là mức cao nhất từ tháng 3.2021.

Nguyên nhân khiến giá cao su tăng là cung thiếu hụt. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) nhận định nguồn cung thế giới đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan và thiếu nhân công vì COVID-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phong tỏa nhiều thành phố, gây cản trở lớn đến tình hình vận chuyển hàng hóa tới các cảng biển.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng. Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu cao su của thế giới cao cũng là yếu tố giúp hỗ trợ xuất khẩu.

Diễn biến giá cao su tương lai tại Nhật Bản. Nguồn: Trading Economics 

Góp điểm tích cực trong phiên hôm nay còn đến từ PNJ, FPT. Cả hai mã này đều đang thăng hoa trên vùng đỉnh lịch sử.

Bên cạnh đó cổ đông nhóm thuỷ sản cũng đang "bội thu". ANV, AAM và ACL tiếp tục có phiên tăng hết biên độ. CMX, IDI cũng tăng tích cực khi có thêm lần lượt 6,45% và 5,97%.

Một số chủ đầu tư, ban quản lý phản ánh do giá nhiên liệu, vật liệu thi công tăng cao đột biến thời gian gần đây dẫn tới tổng mức đầu tư trình duyệt vượt quá tổng mức đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư, không bảo đảm điều kiện quyết định đầu tư dự án. Ngay lập tức, Bộ Giao thông Vận tải đã cho tạm dừng một số dự án.

Thông tin tiêu cực này như một đòn giáng mạnh mẽ vào nhóm cổ phiếu đầu tư công. Chưa bao giờ cổ đông nhóm ngành này thấy các mã nằm sàn nhiều đến thế. HHV, FCN, HT1, BCG, CTD... rủ nhau giảm hết cỡ.

  Sắc xanh lơ bao phủ nhóm cổ phiếu đầu tư công. Ảnh chụp màn hình

Phía ngành ngân hàng cũng chung diễn biến. Dòng tiền "yếu" đổ vào nhóm cổ phiếu "vua" khiến thị trường chưa thể bớt chao đảo.

Với nhóm bất động sản, VHM và VIC tiếp tục là các tên thường xuyên xuất hiện trong mỗi phiên VN-Index nhuốm sắc đỏ.

Khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 1.441 tỉ đồng, tập trung vào các mã GEX, DXG, DIG. Họ bán ròng ngược lại 1434 tỉ đồng chủ yếu ở HPG, BVH và CTG.

Về mặt kỹ thuật, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng theo sóng elliott trên biểu đồ thì có thể thấy là VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5. Dự báo trong tuần giao dịch này, VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 3.2022) để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Trong kịch bản tích cực, nếu lực cầu trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm là đủ tốt thì thị trường có thể sớm hồi phục trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn