MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vấn đề thăng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được đề cập tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam khai mạc sáng ngày 5.6. Ảnh: Thế Lâm.

Chứng khoán: Nếu thăng hạng, thị trường thu hút thêm ít nhất 10 tỉ USD

Thế Lâm LDO | 05/06/2022 13:44
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 khai mạc sáng ngày 5.6 tại TPHCM, vấn đề vốn và thị trường chứng khoán đã được đề cập đến với những mục tiêu hướng đến trở thành một trong những kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế.

Theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã không ngừng tăng trưởng mạnh về giá trị vốn hóa, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước.

“Quy mô thị trường chứng khoán đã dần cân bằng với thị trường vốn ngân hàng. Thị trường đã hình thành đầy đủ các cấu phần: cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh… Hoạt động của các công ty đại chúng từng bước hồi phục, thị trường chứng khoán dần khẳng định vai trò huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế. Trái phiếu Chính phủ hỗ trợ tích cực cơ cấu lại nợ của chính phủ. Trong khi đó, trái phiếu tăng trưởng mạnh, đạt 605.000 tỉ đồng trong năm 2021, quý 1/2022 DN tăng 105.000 tỉ đồng. Lượng tài khoản chứng khoán đạt 5,2 triệu tài khoản”, ông Phạm Hồng Sơn cho biết.

Mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2025 có vốn hóa đạt 100% GDP, đến 2030 vốn hóa đạt 120% GDP.

Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cũng phát sinh nhiều rủi ro, như các vụ việc thao túng thị trường, trái phiếu doanh nghiệp rủi ro khi nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa am hiểu thị trường, thiếu khả năng tiếp cận thông tin, chất lượng các công ty chứng khoán chưa đồng đều, từ đó gia tăng rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư.

Định hướng điều hành trong thời gian tới, theo vị lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục duy trì thị trường hoạt động an toàn minh bạch, hoàn thiện khung pháp lý, rà soát tổng thể Luật Chứng khoán.

Về cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tính tuân thủ trên thị trường; trái phiếu chính phủ sẽ được phát triển thành thị trường chuẩn để huy động nguồn lực phát triển kinh tế của chính phủ; Trái phiếu doanh nghiệp cần phát triển bền vững, trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và thị trường.

Tham gia ý kiến trong phần thảo luận, ông Don Lam – Tổng giám đốc VinaCapital – cho biết,  doanh nghiệp này đã đầu tư vào thị trường chứng khoán từ khoảng 20 năm trở lại đây, và đến nay lượng vốn đầu tư đã lên đến 8 tỉ USD với hơn 20.000 nhà đầu tư tham gia.

“Thị trường gần đây không thuận lợi. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi xuống, nhưng theo tôi chỉ là ngắn hạn thôi. Thị trường đang cần niềm tin để hồi phục. Về lâu dài, thị trường ổn định thì cần nhà đầu tư có niềm tin. Trong chuyến công tác Mỹ và Châu Âu vừa qua, tôi nhận thấy đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Don Lam cho biết.

Đề cập tới việc Việt Nam cần thúc đẩy để sớm thăng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, ông Don Lam cho biết, nếu thị trường chứng khoán thăng hạng, lượng vốn đầu tư thu hút thêm ít nhất có thể lên tới 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, để thị trường được thăng hạng cần bảo đảm các điều kiện, như  tính thanh khoản, thêm sản phẩm đa dạng; tăng cường khả năng thanh toán; đẩy mạnh công tác quản trị quản lý; thông tin minh bạch; tăng hạn mức của nhà đầu tư nước ngoài...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn