MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán: Nguy cơ bị đình chỉ giao dịch, cổ đông FLC "lời ăn lỗ chịu"

Đức Mạnh LDO | 01/09/2022 17:31
Theo các chuyên gia chứng khoán, kết cục bị đình chỉ giao dịch của FLC, HAI và ROS đã được nhìn thấy từ trước. Với thị giá vốn đã thấp sẵn và tin xấu bủa vây, tài sản của những cổ đông đang bị đe doạ nghiêm trọng.

Đình chỉ giao dịch, đóng băng tài sản 

Với gần 710 triệu cổ phiếu đang niêm yết, cổ đông của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) đang đối diện với quyết định huỷ niêm yết bắt buộc từ 5.9. Tương tự, cùng hệ sinh thái FLC, HAI và ROS cũng chung số phận chia tay sàn HOSE do chưa khắc phục được vi phạm.

Phản ứng với hàng loạt thông tin tiêu cực, nhà đầu tư nắm giữ những mã này đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Trên thị trường chứng khoán, thị giá của FLC đã lao dốc hơn 78% so với đầu năm xuống còn 4.000 đồng/cổ phiếu. ROS và HAI có giá lần lượt 2.510 đồng/cổ phiếu và 1.820 đồng/cổ phiếu. KLF và ART cũng lèo tèo dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.

Thị giá của các mã chứng khoán thuộc "họ FLC".  

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc CTCK Kiến Thiết, tình trạng như hiện nay đã được dự báo trước. Có nghĩa là nhà đầu tư đã có thời gian để thoát khỏi cổ phiếu.

"Đối với nhiều nhà đầu tư còn ở lại, tôi cho rằng họ nên bán càng sớm càng tốt để có thể thu hồi phần vốn còn lại, tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn. Nắm giữ những cổ phiếu này trong dài hạn sẽ không có lợi", ông Ngọc cho biết.

Về quyền lợi của nhà đầu tư, ông Đỗ Đình Duy - Giám đốc Phân tích của CTCK Alpha nhận định: "Việc Sở Giao dịch Chứng khoán tiến hành xử phạt các tổ chức niêm yết sẽ không có biện pháp để bảo vệ quyền lợi của của đông. Bởi các quyết định đầu tư thuộc hoàn toàn về ý trí của mỗi người. Sở chỉ đảm bảo việc thực hiện giao dịch một cách thông suốt."

Ông Duy cho rằng nếu những doanh nghiệp nào bắt đầu có dấu hiệu không đáp ứng được các tiêu chuẩn như báo cáo kiểm toán định kỳ hay bị công ty kiểm toán nêu ra những ý kiến đặc biệt, thì đó sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy công ty gặp vấn đề hoặc có những vi phạm về mặt công bố thông tin. Công chúng nhà đầu tư nhờ đó có thể tránh được những doanh nghiệp như thế.

Không có lý do nào để doanh nghiệp không chọn được kiểm toán

Theo ông Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI, đây là điển hình của một rủi ro trong đầu tư và của thị trường chứng khoán. Tức là lời ăn lỗ chịu. Còn kiểm toán là điều bắt buộc, vấn đề chỉ là các công ty thuộc hệ sinh thái FLC có muốn kiểm toán hay không mà thôi.

Ông Đức nói: "Doanh nghiệp dù có xấu đến đâu, sai phạm bê bối như nào thì kiểm toán chỉ cần mô phỏng, đánh giá và đưa ra những nhận xét, nhận định hoàn toàn đúng với thực tế. Nhưng nếu việc đấy không phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp thì kiểm toán chắc chắn sẽ ra kết quả xấu. 

Không có lý do nào để không chọn được kiểm toán, hoặc là thậm chí kiểm toán rồi mà không ra được. Nó lại càng thể hiện rằng đây không phải là rủi ro bình thường mà là rủi ro cả một quá trình rất lớn, rủi ro mà không biết gỡ từ đâu, không biết phân biệt như thế nào".

Luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng Văn phòng luật sư Interla - nhấn mạnh những vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết cấu thành hành vi lừa đảo nghiêm trọng và có dấu hiệu của chiếm đoạt một số tiền rất lớn. Do vậy nó đã thỏa mãn Khoản 4, Điều 174 Luật hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn