MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán phiên ngày 19.1 giảm mạnh. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Nguyên nhân nào gây ra phiên giảm điểm kỷ lục ngày 19.1?

Thế Lâm LDO | 19/01/2021 16:22

Thị trường chứng khoán tháng Giêng thường tăng điểm cho nên có thuật ngữ “hiệu ứng tháng Giêng”. Nhưng với phiên giảm gần 61 điểm ngày 19.1, hiệu ứng tháng Giêng bị lung lay dữ dội.

Phai nhạt “hiệu ứng tháng Giêng”…

Kết phiên giao dịch ngày 19.1, VN-Index giảm gần 61 điểm, kéo chỉ số lùi xuống mức 1.131 điểm. Mức điểm này vẫn còn cao hơn điểm số của phiên giao dịch cuối năm 31.12.2020 hơn 27 điểm.

Tuy nhiên, chỉ 1 phiên giao dịch ngày 19.1, VN-Index đã bị thổi bay khoảng 70% số điểm kiếm được từ đầu tháng 1.2021.

Nếu trong vài phiên tới, chỉ số vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm xuống dưới mức 1.103,87 điểm thì “hiệu ứng tháng Giêng” sẽ bay biến.

Như vậy tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 19.1, hiệu ứng tăng điểm của tháng Giêng vẫn còn dù không được đầy đặn như trước. Hầu hết các nhà đầu tư trong thời gian qua đều đã có lãi. Vì thế, phiên giảm mạnh thổi bay gần 61 điểm tương ứng với mức giảm 5,11% có thể khiến nhà đầu tư mất đi những thành quả đã có được trong hơn nửa tháng qua, hơn là khả năng đã ôm lỗ.

Mức giảm 5,11% trong 1 phiên không phải là tỉ lệ giảm cao nhất. Nhưng về số điểm tuyệt đối, việc mất 61 điểm trong 1 phiên là số điểm giảm kỷ lục từ trước tới nay. Theo dự báo của Công ty chứng khoán Phú Hưng trước đó, áp lực chốt lời có thể gia tăng đẩy chỉ số vào một nhịp điều chỉnh sâu, các vị thế yếu có thể sẽ bị rũ bỏ.

VN-Index đã chính thức bước vào điều chỉnh, thậm chí đã điều chỉnh mạnh. Trong lúc này, chưa thể đoán chắc nhịp điều chỉnh kéo dài tới khi nào, song đa phần các khuyến nghị đưa ra trong ngày giao dịch 19.1 là nhà đầu tư không nên hoảng loạn.

Cần hành động ra sao lúc này?

Theo Công ty chứng khoán FPT, ngày 19.1 không có thông tin vĩ mô hay vi mô nào gây bất lợi cho thị trường chứng khoán. Chính vì thế, phiên điều chỉnh mạnh hôm nay không do các biến cố của nền kinh tế hay chính sách.

Còn theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường giảm mạnh do nguyên nhân chốt lời. VN-Index đã tăng nóng kéo dài nhiều tháng qua, trong các nhịp tăng có xen kẽ những phiên rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ, nhưng chưa có nhịp điều chỉnh nào đúng nghĩa. Phiên giảm điểm mạnh hôm nay chính thức khẳng định nhịp điều chỉnh đúng nghĩa đó.

Tuy nhiên, diễn biến giảm điểm phiên sáng ngày 19.1 diễn ra từ từ, thậm chí có lúc chững lại vào thời điểm sau 10 giờ sáng. Thế nhưng sau đó, thị trường bước vào đợt giảm điểm tiếp theo và mỗi lúc càng giảm sâu.

Điều đáng ghi nhận là, dù thị trường giảm mạnh, lượng bán ra chốt lời hoặc hạn chế thiệt hại rất lớn, nhưng lực cầu vẫn rất mạnh. Minh chứng là, kết phiên sàn HoSE đạt giá trị thanh khoản cao nhất lịch sử, với hơn 20.363 tỉ đồng.

Nếu tính cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCom, phiên hôm nay tổng thanh khoản trên thị trường cũng đạt đến một dấu mốc mới là vượt mốc 1 tỉ USD, cụ thể là hơn 25.800 tỉ đồng.

Lúc này, nhà đầu tư mới chỉ mất đi một phần thành quả đầu tư trong thời gian qua. Chính vì thế, khuyến nghị được các công ty chứng khoán đưa ra là không nên hoảng loạn bán tháo, mà nên tập trung quản trị rủi ro. Sau các phiên giảm mạnh thường xuất hiện nhịp hồi, khi đó cơ hội cơ cấu danh mục sẽ đến khi những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý 4/2020 dần được công bố.

Thậm chí, đối với những nhà đầu tư còn nắm giữ nhiều tiền mặt, đây chính là cơ hội mua vào nhiều cổ phiếu giá hấp dẫn.

Còn ngược lại, nếu nhà đầu tư hoảng loạn bán ra bằng mọi giá, hệ quả là không chỉ mất hết thành quả đầu tư, mà còn thâm thủng vào vốn, gây áp lực đối với các khoản vay giao dịch ký quỹ (margin).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn