MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán đang diễn biến khó chịu và khó lường. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Niềm tin chưa đủ mạnh để thị trường bứt tốc

Thế Lâm LDO | 27/02/2021 07:44

Chứng khoán Việt Nam diễn biến đỏ sàn trong những phiên giao dịch tuần qua cho thấy bị ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán quốc tế. Nhưng trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam đang lình xình, các yếu tố tác động dễ trở thành “cái cớ”.

Lình xình và khó chịu

Nhận định được Công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam mà cụ thể là VN-Index, diễn biến trong những phiên giao dịch tuần qua rất khó chịu.

VN-Index trong 5 phiên giao dịch của tuần thì có 4 phiên tăng điểm, nhưng mỗi phiên chỉ tăng từ khoảng hơn 1,5 điểm đến gần 4 điểm. Phiên tăng với tỉ lệ cao nhất cũng chỉ đạt 0,29%.

Với 4 phiên tăng nhẹ như vậy, theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường dường như đang tích lũy đi ngang, hay còn gọi là lình xình không rõ xu hướng.

Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là, thị trường lình xình đi ngang nhưng thường xuyên rung lắc với biên độ khá lớn, có phiên biên độ tăng – giảm lên tới khoảng 30 điểm, hoặc VN-Index đang có các phiên tăng nhẹ đều đều đi ngang bỗng có một phiên bất ngờ đảo chiều giảm mạnh (phiên 24.2 giảm hơn 15 điểm) ngoài mọi dự đoán. Để rồi sau đó, thị trường trở lại tiếp tục đi ngang.

Cũng theo bà Kim, diễn biến như hiện nay có thể còn kéo dài từ 1-2 tuần nữa trước khi VN-Index có xu hướng rõ ràng hơn và có thể bứt phá chinh phục ngưỡng điểm 1.200 điểm.

Niềm tin thị trường và dòng tiền chưa đủ mạnh

Sự khó lường và khó chịu của thị trường những phiên vừa qua cũng cho thấy, khi thị trường mở cửa chỉ số VN-Index tăng khá mạnh thì lực bán ra chốt lời cũng dồn dập. Còn khi thị trường giảm khá mạnh ngay lập tức lại có lực cầu giá thấp hoặc bắt đáy kéo thị trường thu hẹp đà giảm.

Đến cuối các phiên 30 phút cuối giao dịch khớp lệnh liên tục hoặc 15 phút ATC, VN-Index lại được kéo lên lại trên mức tham chiếu và tăng điểm nhẹ.

Dòng tiền, chỉ tính riêng trên sàn HoSE, đạt bình quân hơn 14.790 tỉ đồng/phiên trong tuần giao dịch vừa qua. Dù không phải là thấp, nhưng mức thanh khoản này giảm hơn so với thời điểm trước Tết 2 tuần về trước.

Bà Kim nhận định rằng, dòng tiền chưa thực sự mạnh vì một phần có những nhà đầu tư vẫn chưa trở lại giao dịch sau Tết. Ngoài ra, những nhà đầu tư đã mua vào những mã cổ phiếu ở mức giá khá cao, trước tình trạng lình xình hiện nay họ giữ tâm thế chờ đợi và quan sát, chỉ khi nào VN-Index bứt phá vượt mốc 1.200 điểm thì họ mới tham gia thêm.

Nhìn chung, tâm thế giao dịch cầm chừng, vừa phải cũng phản ánh tâm lí, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, vì chưa tin lắm trong 1-2 tuần giao dịch tới VN-Index có thể vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Đỉnh 1.200 điểm là đỉnh lịch sử mà chỉ số VN-Index đã đạt được từ tháng 4.2018. Mốc điểm này trở thành mục tiêu trước mắt trong ngắn hạn của chỉ số, và cũng là mục tiêu và kì vọng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên theo bà Kim, đây cũng là mốc kháng cự rất mạnh, dễ đẩy lùi các bước tiến về sát nó trong những phiên thị trường tăng điểm.

Trên thực tế, VN-Index đã từng hơn một lần diễn biến như vậy trong tháng 1.2021. Đó cũng chính là vấn đề mà không ít nhà đầu tư e ngại và thận trọng, vì thế khi chỉ số tiến lên đến ngưỡng 1.170-1.185 điểm là lực bán chốt lời đã tung ra mạnh kéo chỉ số lùi xuống lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn