MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán chuẩn bị đối mặt với tháng giao dịch "sell in May, go away". Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Nỗi lo thị trường sau lễ “sell in May, go away”

Thế Lâm LDO | 02/05/2021 22:07

Thị trường chứng khoán chuẩn bị bước vào phiên giao dịch đầu tiên sau kì nghỉ lễ vào ngày 4.5. Và đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng “sell in May, go away”.

“Sell in May, go away” (bán ra vào tháng 5 và tạm rời khỏi thị trường) giống như một câu thành ngữ để nói về tháng 5 trên thị trường chứng khoán, thường diễn ra ảm đạm vì rơi vào tháng “trũng” thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư bán ra hơn là mua vào, và tạm ngừng giao dịch trên thị trường để chờ đợi, từ đó thị trường có thể rơi vào điều chỉnh.

Tháng 5, cũng là tháng mà các báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 hầu hết đã được công bố. Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, dù rằng vẫn còn những doanh nghiệp niêm yết chưa công bố kết quả kinh doanh quí 1 nhưng trên đại thể, các công ty lớn, đặc biệt trong nhóm VN30, đều đã hoàn tất công tác này. Những doanh nghiệp chưa công bố, trên thực tế cũng đã có những thông tin về ước lượng kết quả kinh doanh, lợi nhuận…

Trong khi bước vào tháng 5 thông tin về báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 không còn hỗ trợ được mấy đến diễn biến trên thị trường thì ở chừng mực nào đó, thông tin các cuộc đại hội cổ đông vẫn còn có những tác động, và trong đó không ít là tích cực.

Những thông tin về đại hội cổ đông thường được trông chờ nhất là chia cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2021 so với năm 2020…

Trên thực tế, trong mùa đại hội cổ đông năm nay nhiều doanh nghiệp thông tin về kế hoạch tăng vốn điều lệ, đưa ra chính sách chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu khá hậu hĩnh. Yếu tố này cũng có thể thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ hoặc mua vào các mã cổ phiếu chia cổ tức cao để hưởng lợi.

Theo các khảo sát cho thấy, so với diễn biến trên thực tế thì câu “sell in May, go away” không hẳn đã phản ánh đúng với thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Cụ thể, trong 15 năm tính từ 2006 đến 2020, chỉ số VN-Index có 8 năm giảm điểm trong tháng 5 và 7 năm tăng điểm trong tháng này, “tỉ số” 8-7 nghiêng nhẹ về giảm điểm. Còn với chỉ số HNX-Index, tính từ 2007 đến 2020 “tỉ số” đang là hòa 7-7.

Một tín hiệu không quá mạnh mẽ nhưng cũng được quan tâm và theo dõi sát sao là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ hơn 400 tỉ đồng trong tháng 4. Trước đó, khối ngoại đã có tới 6 tháng liên tiếp bán ròng. Thậm chí vào tháng 3, khối này còn bán ra mạnh tới hơn 12.000 tỉ đồng trên toàn thị trường.

Thêm một điểm đáng lưu ý, dòng tiền trên thị trường tính đến trước thềm tháng 5.2021 đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng gia tăng mạnh về thanh khoản.

Tháng 3.2021, tính trên sàn HoSE, tổng thanh khoản đạt 319.077 tỉ đồng, bình quân mỗi phiên đạt hơn 13.872 tỉ đồng. Tuy nhiên đến tháng 4, tổng thanh khoản trên sàn HoSE tăng lên mức 337.693 tỉ đồng, bình quân mỗi phiên đạt thanh khoản hơn 16.880 tỉ đồng.

Dòng tiền cũng được kì vọng quay trở lại thị trường sau đợt nghỉ lễ khá dài. Trong đó, dòng tiền chủ yếu (trên 80%) đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, tạo ra thanh khoản mỗi phiên thời gian gần đây tăng gấp 3-4 lần so với mức thanh khoản của những năm trước, chính vì thế được kì vọng sẽ giúp hóa giải “lời nguyền” tháng 5 là tháng “sell in May, go away” trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn