MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà tăng của thị trường chứng khoán có thể duy trì sang đầu tháng. Ảnh: Gia Miêu

Chứng khoán sẽ chững lại nửa sau tháng 8, thử thách tại mốc 1.240 điểm

Đức Mạnh LDO | 04/08/2023 09:00

Giới chuyên gia nhận định, đà tăng kéo dài sẽ gặp thách thức khi thị trường chứng khoán sắp bước vào vùng trũng thông tin sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II.

Trong tháng 7.2023, thị trường chứng khoán Việt Nam (đại diện là chỉ số VN-Index tăng 9,2% so với đầu tháng) có hiệu suất vượt trội hơn so với hầu hết thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này là do niềm tin trở lại và sự kỳ vọng của nhà đầu tư về các chính sách tài khóa, tiền tệ của chính phủ được triển khai mạnh mẽ. Triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nhờ đó trở nên rõ rệt hơn trong thời gian tới.

VN-Index tiếp tục tăng điểm mạnh mẽ trong tháng 7.2023. Ảnh: VNDIRECT

Đồng thời, nhịp tăng điểm vượt trội của VN-Index trong tháng 7 vừa qua đã góp phần giúp hiệu suất thị trường chứng khoán Việt Nam so với đầu năm (tăng 21,4%) vượt qua nhiều thị trường chứng khoán lớn khác như Mỹ (tăng 19,3%), Hàn Quốc (tăng 17,7%) và chỉ xếp sau Nhật Bản (tăng 27,1%).

Thanh khoản cải thiện tháng thứ tư liên tiếp do niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố. Động lực nhờ lãi suất tiếp tục giảm giúp giảm chi phí cơ hội, chi phí vốn khi đầu tư chứng khoán. Một loạt chính sách tài khóa được ban hành (gồm giảm thuế VAT 2%, giảm thuế trước bạ ôtô, đẩy mạnh đầu tư công...) giúp cải thiện triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

Bước sang tháng 8, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng đà tăng của thị trường có thể duy trì sang đầu tháng nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý II so với quý I tại một số cổ phiếu trụ cột. Tuy vậy, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8. Vùng 1.240 điểm (+/- 10 điểm) có thể là vùng kháng cự mạnh của VN-Index trong tháng này.

Trong trung hạn, các chuyên gia vẫn lạc quan về xu hướng thị trường do lộ trình tăng lãi suất của FED đã đi đến giai đoạn cuối. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa sau năm 2023.

Ngược lại, rủi ro giảm điểm đến từ rủi ro tỉ giá nằm ngoài tầm kiểm soát có thể kích hoạt đà rút vốn của nhà đầu tư.

Theo chuyên gia từ FIDT, trong tháng 8, thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến động điều chỉnh cần theo dõi, tuy nhiên có thể vẫn duy trì xu hướng tích cực. FIDT cho rằng, nhà đầu tư có thể hiện thực hóa một phần lợi nhuận trong danh mục khi thị trường hưng phấn và chủ động gia tăng tỉ trọng cổ phiếu tại vùng hỗ trợ quan trọng 1.200 - 1.210 điểm.

Bên cạnh đó, xét về margin, FIDT thống kê, hiện nay tỉ lệ dư nợ ký quỹ/tổng hạn mức ký quỹ ước tính khoảng 37,69%. Nhìn vào lịch sử, những lần tỉ lệ này giảm về mức dưới 36,53% thì định giá P/E cũng đều giảm về vùng thấp lịch sử. Đây có thể xem là một dấu hiệu cho nhà đầu tư tham khảo để có thể tích luỹ cổ phiếu cho dài hạn.

Ngược lại, trong những lần P/E thị trường tăng cao (trên 18), việc tỉ lệ này đang neo ở mức cao cho thấy, dòng tiền đổ vào đang phụ thuộc nhiều vào tiền vay ký quỹ trong khi định giá thị trường đang quá cao. Đây chính là một tính hiệu cảnh báo rủi ro mà nhà đầu tư có thể xem xét.

"Rủi ro của thị trường đang là khá thấp khi tỉ lệ dư nợ ký quỹ/tổng hạn mức ký quỹ lẫn định giá P/E của thị trường vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, tâm lý của nhà đầu tư đang có sự hồi phục tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho đà tăng của thị trường chung trong trung hạn" - chuyên gia đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn