MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán “sống chung với COVID-19”, sẽ khó giảm sâu như tháng 3

Thế Lâm LDO | 29/07/2020 18:37

Phiên giao dịch ngày 29.7, thị trường quay đầu giảm điểm sau phiên phục hồi kĩ thuật ngày trước đó. VN-Index trở về sát ngưỡng 790 điểm, tuy nhiên thanh khoản trên sàn HoSE lại tăng hơn 400 tỉ đồng so với phiên trước. Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể giảm tiếp 1-2 phiên nữa theo quán tính.

Khó giảm sâu như dạo tháng 3

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm xuống đáy  vào tháng 3.2020 gần mức 650 điểm. Cùng thời điểm đó, chứng khoán thế giới cũng đồng loạt giảm sâu vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tuy nhiên theo Yuanta Việt Nam, thông tin về những ca nhiễm mới trong cộng đồng hiện nay khó khiến thị trường có thể giảm sâu như dạo tháng 3, và sự tác động đến các ngành kinh tế cũng không lớn như trước. Điểm thuận lợi là Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc triển khai phòng chống dịch COVID-19, nhờ đó việc xử lí cũng kịp thời hơn.

Thực tế từ phiên giao dịch ngày 29.7, trong phiên sáng có lúc VN-Index giảm đến ngưỡng 30 điểm sau khi có thêm thông tin một số ca nhiễm mới. Tuy nhiên sang phiên chiều, biên độ giảm đã thu hẹp dần, lực cầu bắt đáy cũng cho thấy sự sẵn sàng, giúp cho VN-Index thu hẹp đà giảm chỉ còn hơn 22 điểm.

Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng Kinh doanh của Yuanta Việt Nam, tâm lí nhà đầu tư phần nào cũng đã có sự chuẩn bị trước về tình hình dịch bệnh. Sau một, hai phiên đầu giảm sốc, thị trường cũng phải quen dần với việc “sống chung với COVID-19”.

Điều này đã thể hiện rất rõ tại các thị trường chứng khoán như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (TQ), Hàn Quốc, Châu Âu. Đặc biệt là chứng khoán Mỹ, từ tháng 4.2020 đến nay đã có một mạch tăng ngoạn mục gần như bất chấp thông tin về dịch bệnh.  

Nhà đầu tư F0 và khối ngoại cùng trở lại

Theo thống kê, trong tuần giao dịch từ ngày 20-24.7, thanh khoản thị trường đã có sự gia tăng đáng kể so với tuần trước đó. Cụ thể, mức tăng riêng về giá trị giao dịch khớp lệnh trên thị trường là 19,71%.

Còn theo bà Bùi Thị Kim, trong các phiên từ ngày 24.7 đến nay khi thị trường giảm điểm mạnh hoặc tăng điểm mạnh trở lại đều có thanh khoản tăng cao so với trước đó, cho thấy sự trở lại của các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường (F0).

Cần biết rằng, từ giữa tháng 6 cho đến thời điểm 3 tuần đầu tháng 7, nhà đầu tư F0 phần lớn vẫn đứng ngoài. Cho dù theo thống kê, tính từ tháng 3 đến nay đã có khoảng 150.000 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư F0 được mở.

Cùng với sự tham gia thị trường trở lại của nhà đầu tư F0 với cơ hội bắt đáy trong 4 phiên vừa qua,  khối ngoại cũng đột ngột quay trở lại mua ròng mạnh. Trong phiên ngày 29.7, thị trường giảm mạnh trở lại, khối ngoại cũng mua ròng mạnh phiên thứ tư liên tiếp, với mức gần 300 tỉ đồng. Như vậy trong 4 phiên, khối ngoại mua ròng hơn 1.100 tỉ đồng trên thị trường. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 1.070 tỉ đồng.

Nếu sự trở lại của dòng tiền từ nhà đầu tư F0 tạo chỗ dựa thanh khoản cho thị trường thì 4 phiên mua ròng mạnh vừa qua của khối ngoại đóng vai trò hỗ trợ tâm lí quan trọng cho nhà đầu tư. Đây cũng là hai yếu tố có tác động quan trọng khiến cho thị trường vài phiên vừa qua giảm mạnh nhưng không xảy ra tình trạng bán tháo dài như dạo tháng 3.

Khối ngoại mua ròng mạnh vì không muốn bị “lỡ tàu” như trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Đồng thời, khối ngoại cũng chớp cơ hội mua vào các mã cổ phiếu đã giảm giá xuống mức giá hấp dẫn. Đó cũng là những cổ phiếu vốn hóa lớn, có tính phòng thủ mạnh và giá trị cơ bản tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn