MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán tháng 1.2022 giảm khoảng 20 điểm so với tháng 12.2021. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán tháng 1 thuận chiều hay ngược chiều kỳ vọng của nhà đầu tư?

Thế Lâm LDO | 29/01/2022 14:34

Phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết ngày 28.1 cũng là phiên cuối cùng tháng 1.2022. Đây là tháng giao dịch chỉ số VN-Index đã mất khoảng 20 điểm.

Tháng lập đỉnh mới rồi gây thất vọng

Tháng 1.2022, thị trường chứng khoán chứng kiến chỉ số VN-Index lập những đỉnh mới sau kỷ lục vượt mốc 1.500 điểm vào tháng 12.2021 trước đó.

VN-Index đã có 1 phiên vượt đỉnh cũ 1.500 điểm (từ mức trên 1.498 điểm tăng mạnh lên trên 1.525 điểm) tại phiên ngày 4.1.2022. Sau đó 3 ngày, chỉ số lại leo lên thiết lập đỉnh mới trên mốc 1.528 điểm.

Thế nhưng, kỷ lục trong tuần đầu tháng 1.2022 mà VN-Index thiết lập được cũng chính là điểm tạm dừng lại của chỉ số. Bởi 3/4 khoảng thời gian còn lại của tháng, VN-Index bắt đầu biến động bất ổn.

Nguyên nhân, một phần vì tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường địa ốc (vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh), chứng khoán (vụ bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC và tin đồn thiếu căn cứ cho rằng các công ty chứng khoán không được tăng vốn); một phần nữa đến từ yếu tố thời điểm là cận Tết, dòng tiền có xu hướng được thu hồi về tài khoản, nhà đầu tư chốt lời và giảm dần giao dịch.

Cho tới phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch Tân Sửu, chỉ số VN-Index mất khoảng 20 điểm so với thời điểm phiên giao dịch cuối năm 2021, từ mức 1.498,28 rơi xuống mức 1.478,96 điểm.

Chỉ số mất 20 điểm chỉ tương ứng mức giảm khoảng 1,3%. Tuy nhiên, nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm khá mạnh từ trước đó như thép, chứng khoán, khiến cho nhiều nhà đầu tư mất đi thành quả lợi nhuận của nhiều tháng cộng lại.

Tháng 1 và bài học thị trường

Nếu so với chính mức đỉnh của VN-Index cũng lập được vào đầu tháng 1 (trên mốc 1.528 điểm), chỉ số mất đến 50 điểm, tương ứng khoảng 3,15%. Tuy nhiên với nhiều nhà đầu tư nắm giữ các danh mục là cổ phiều đầu cơ, cổ phiếu vốn hóa nhỏ, hay những mã thuộc “họ” FLC và những cổ phiếu hưởng lợi từ việc đấu thầu đất tại Thủ Thiêm (TPHCM), tỉ lệ “bốc hơi” tài khoản lên đến hàng chục phần trăm.

Thậm chí với những nhà đầu tư lướt sóng vào cuối sóng cổ phiếu nóng, thiệt hại có thể thâm nặng vào vốn.

Lướt nóng cổ phiếu như theo các cổ phiếu thị trường “họ” FLC, hay tranh thủ bắt sóng những mã cổ phiếu hưởng lợi từ các cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm… luôn là con dao 2 lưỡi. Bởi sự đảo chiều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hoặc những thông tin tiêu cực có thể tác động khiến nhà đầu tư cầm hàng bị kẹt như trường hợp các nhà đầu tư những mã “họ” FLC trong vài tuần vừa qua.

Chính từ hình hình trên thị trường chứng khoán những tuần giáp Tết, Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đã đưa ra nhận xét rằng nhiều nhà đầu tư “Tết này không còn tiền để mang về cho mẹ”.

Ngay cả tuần giao dịch (24-28.1) trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày, chỉ số VN-Index vẫn diễn biến rất khó lường, tăng giảm đan xen trong 4 phiên đầu trong đó có những phiên giảm rất mạnh và tăng cũng rất mạnh. Rất may phiên cuối tuần và cũng là phiên cuối tháng 1.2022 và phiên cuối năm Âm lịch Tân Sửu, VN-Index kéo tăng được hơn 8 điểm, giúp nhiều nhà đầu tư lấy lại được vốn hoặc thu hẹp mức lỗ.

Ở chiều ngược lại, có nhiều nhà đầu tư bắt sóng cổ phiếu ngân hàng đã được hưởng lợi trong tuần giao dịch cuối tháng 1. Đó cũng là nét tích cực của thị trường chứng khoán tháng 1.2022 khi nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường thể hiện được vai trò trụ đỡ và dẫn dắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn