MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số chứng khoán VN-Index rơi sâu vì đợt bán giải chấp vay margin. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: Thị trường trước sức ép tức thở của bán giải chấp vay margin

Thế Lâm LDO | 26/04/2022 10:08

Không còn nghi ngờ gì nữa, cơn lao dốc của chỉ số chứng khoán VN-Index phiên ngày 25.4 đã nói lên tất cả: thị trường giảm điểm nhiều phiên gần đây, có nguyên nhân là bán giải chấp đối với các tài khoản vi phạm vay ký quỹ (margin).

Nhân viên môi giới chứng khoán tại một sàn cho biết, mỗi nhà đầu tư có 1-2 mã cổ phiếu bị bán giải chấp, gây sức ép dần lan rộng ra các mã khác trong danh mục, khiến những mã này cũng bị ảnh hưởng lây.

Có nghĩa là, những mã bị buộc bán giải chấp vì đã vi phạm margin, nếu không đủ, sẽ phải bán mã khác – dù chưa tới mức vi phạm margin – để giải cứu. Cứ thế, hiệu ứng domino khiến chỉ số VN-Index lao dốc trong khoảng thời gian rất nhanh.

Từ “căng margin” đến mức nhiều nhà đầu tư bị “call margin” (cuộc gọi cảnh báo từ các sàn mà nhà đầu tư có tài khoản hoạt động và vay ký quỹ), dẫn đến “force sell” (bán giải chấp) do nhà đầu tư chủ động hoặc do sàn tự bán ra (khi nhà đầu tư án binh bất động không thể làm gì khác).

Phiên giảm ngày 25.4, có thời điểm VN-Index mất tới 80 điểm, một kỷ lục từ trước tới nay trên thị trường chứng khoán nếu xét về điểm số tuyệt đối. Sau đó, chỉ số thu hẹp dần còn giảm hơn 68 điểm về cuối phiên, hoàn toàn là do cuộc bán giải chấp diện rộng của các công ty chứng khoán cho vay margin nhằm thu hồi vốn.

Tuy nhiên, sức ép tức thở của cuộc bán giải chấp dẫn đến nhiều mã giảm sàn như vậy, từ rất nhiều nhà đầu tư lớn, chứ không còn chỉ trong phạm vi những nhà đầu tư vừa và nhỏ chiếm đa số bị bán giải chấp như trong nhiều trường hợp lâu nay.

Với làn sóng bán giải chấp như vậy, thị trường có thể bị “rũ” đến sạch những khoản nợ margin, hoặc có thể lên đến 70-80%, thậm chí 90% các khoản vay của nhiều nhà đầu tư vay margin.

Nhà đầu tư thiệt hại, lỗ lã là chuyện phải gánh chịu vì “có chơi có chịu”. Nhưng vấn đề lớn hơn, thị trường gánh chịu còn nặng hơn, cụ thể là chỉ số VN-Index và vốn hóa thị trường chứng khoán (sàn HSX, HNX và UpCom).

Đơn cử sàn HSX, chỉ trong phiên ngày 25.4, vốn hóa đã giảm tới 270.860 tỉ đồng, tương đương hơn 11,77 tỉ USD. Một con số sụt giảm khủng khiếp về giá trị vốn hóa trên thị trường.

Đợt bán giải chấp được cho là khó có thể chỉ dừng lại ở một phiên mà có thể kéo dài vài phiên, sau đó nhịp giảm mới có thể chậm lại rồi dừng, và thị trường sẽ trở nên thận trọng hơn trước với tâm lý “rón rén”.

Chính vì thế, đáy của chỉ số VN-Index trước sức ép tức thở của đợt bán giải chấp này được cho rằng tiếp tục khó đoán định. Thị trường lúc này cần sự bình tĩnh xử lý từng tình huống một giữa nhà đầu tư và các công ty chứng khoán theo hướng nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn