MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị tác động mạnh từ thị trường thế giới. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán Việt biến động theo thế giới, thanh khoản tăng chưa tích cực

Thế Lâm LDO | 12/03/2022 06:00
Một tuần (7-11.3) thị trường chứng khoán Việt Nam với chỉ số VN-Index biến động theo thị trường thế giới, vừa bất thường và vừa khó lường, khiến các dự báo dễ bị “việt vị”.

Với 5 phiên giao dịch của tuần vừa kết thúc, VN-Index có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tổng kết, chỉ số mất gần 39 điểm, tương ứng mức giảm 2,57%.

Nhưng đáng nói hơn, nếu tuần giao dịch trước là tuần VN-Index bất ngờ vượt ngưỡng kháng cự 1.500 điểm một cách nhẹ nhàng thì tuần giao dịch vừa kết thúc, chỉ số cũng rất dễ mất mốc 1.500 điểm. Như vậy, VN-Index đã có 5 lần vượt ngưỡng này và cũng đúng số lần như thế bị kéo tụt xuống dưới mốc điểm trên.

Thậm chí, phiên cuối tuần ngày 11.3, chỉ số còn mất cả ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm, cảnh báo thị trường có thể bước vào nhịp giảm ngắn hạn sâu hơn và hoàn toàn có thể rớt về vùng 1.420-1.450 điểm.

Nguyên nhân chính và cũng có thể nói là duy nhất tác động khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bất ổn ở thời điểm hiện tại chính là cuộc chiến Nga - Ukraina. Biến động địa chính trị này ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với 5 phiên giao dịch trong tuần trên sàn HoSE, tổng thanh khoản đạt hơn 145.303 tỉ đồng, bình quân phiên đạt hơn 29.060 tỉ đồng, tăng hơn so với tuần trước 3,8%. Như vậy, đây là tuần thứ 4 liên tiếp thanh khoản tăng trên sàn HoSE.

Thế nhưng đáng nói là, diễn biến thanh khoản tăng này chưa mang đến tín hiệu tích cực.

Thứ nhất, 2 phiên có thanh khoản cao nhất nhì là hơn 34.500 tỉ đồng (ngày 8.3) và hơn 31.400 tỉ đồng (ngày 7.3) đều là những phiên VN-Index giảm điểm và giảm điểm mạnh, cho thấy lực bán ra mạnh và lực mua từ động cơ tranh thủ bắt đáy.

Trong khi đó, phiên tăng nhiều nhất trong tuần của VN-Index (ngày 10.3) với hơn 5 điểm thì thanh khoản trên sàn HoSE chỉ đạt hơn 21.175 tỉ đồng, đột ngột giảm so với phiên liền trước đó hơn 9.000 tỉ đồng, tương ứng mức giảm hơn 30%.

Qua diễn biến trên cho thấy, sự gia tăng thanh khoản không xuất phát từ xung lực của thị trường với tín hiệu tích cực, và diễn biến gia tăng thanh khoản cũng không đều và thiếu ổn định, vì thế chưa hỗ trợ được gì nhiều cho chỉ số VN-Index.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho VN-Index trong tình trạng tăng điểm thì rất khó khăn và khó tăng mạnh, trong khi giảm điểm thì rất dễ dàng và sự chuyển trạng thái đột ngột sang giảm sâu một cách nhanh chóng.

Chính vì thế, nhìn chung, suốt một tuần giao dịch, đa phần dự báo của các công ty chứng khoán bị “việt vị” vì thị trường diễn biến quá khó lường.

Trong những phiên dự báo trong tuần, Công ty chứng khoán SHS “thòng” theo chữ “nếu”: Nếu đêm hôm trước tình hình Nga – Ukraina không tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán thế giới (cụ thể là chứng khoán Mỹ và Châu Âu), thì thị trường chứng khoán Việt Nam với VN-Index có thể có diễn biến tích cực, hoặc hồi phục hoặc tiếp tục hồi phục và tiến đến các ngưỡng cản cao hơn.  

Song thực tế thị trường với chỉ số VN-Index, nhiều phiên chữ “nếu” đã không xảy ra, từ đó khiến cho chỉ số VN-Index trong tuần giao dịch vừa kết thúc lại rơi khỏi ngưỡng 1.500 điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn