MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Jerome Powel - Chủ tịch Fed sẽ có bài phát biểu sau cuộc họp kéo dài 2 ngày để bàn về chính sách sắp tới. Ảnh TTXVN

Chứng khoán Việt Nam sẽ thế nào khi FED ngừng bơm tiền?

Lan Hương LDO | 25/01/2022 18:45
Tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay là việc Fed tăng lãi suất. Việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ giai đoạn này sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường chứng khoán Việt Nam và tâm lý nhà đầu tư?.

Giới đầu tư đang ngóng chờ thông điệp phát ra từ cuộc họp của Fed kéo dài 2 ngày 25 - 26.1.2022.

Các nhà đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ đưa ra động thái điều chỉnh lãi suất trong tuần này mà nhiều khả năng việc tăng lãi suất sẽ xảy ra vào cuộc họp diễn ra trong hai ngày 15-16.3 tới. Dự kiến sẽ kết thúc việc bơm tiền trong tháng 3 và nâng lãi suất 3 lần đưa mức lãi suất lên 0,75%.

Đây là lần đầu tiên Fed điều chỉnh lãi suất tính từ thời điểm ra quyết định hạ lãi suất xuống mức gần bằng 0% ngay khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3.2020. Fed đã không tăng lãi suất kể từ tháng 12.2018.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong vòng 1 năm qua trước kỳ họp của FED, cũng không quá bất ngờ khi thị trường chứng khoán biến động trước các kỳ họp, phản ánh những tâm lý kỳ vọng lẫn lo ngại của giới đầu tư.

Vậy động thái này của Fed sẽ ảnh hưởng gì tới thị trường chứng khoán Việt Nam?

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chuyên gia chứng khoán, Nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT cho biết: “Dù FED nâng lãi suất ba lần trong năm nay, nhưng mức tăng vẫn quanh và dưới 1%. Tôi cho rằng, đây vẫn là ở mức thấp, do đó sẽ không gây quá nhiều lên áp lực tỷ giá của Việt Nam lẫn lãi suất. Tỷ giá sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng trong năm nay vì nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lãi suất ngân hàng, lạm phát và dòng vốn khối ngoại”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chuyên gia chứng khoán, Nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT

Bàn về câu chuyện tỷ giá VND năm 2022, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, tỷ giá sẽ ổn định và dao động trong +-1% dựa trên 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, Việt Nam luôn duy trì được trạng thái thặng dư thương mại trong nhiều năm qua.

Thứ hai, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Việc này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại mà có thêm dòng vốn ngoại tệ FDI vào Việt Nam.

Thứ ba, FED dự phóng vẫn sẽ duy trì mức lãi suất dưới 1% trong năm 2022 và qua đó sẽ giảm áp lực tỷ giá cho các đối tác thương mại chính, bao gồm Việt Nam.

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là siết chặt điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản.

Theo đánh giá của chuyên gia, việc này sẽ có tác động đến các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những công ty có năng lực tài chính yếu kém. Tuy nhiên, về tổng thể thì đây sẽ là điểm tích cực cho nền kinh tế. Vì khi dòng vốn tín dụng vào bất động sản giảm lại, thì các ngân hàng phải đẩy mạnh tín dụng ở những lĩnh vực khác. Khi mà nguồn cung tín dụng trở nên dồi dào như vậy thì xu hướng vẫn sẽ là các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng ở các lĩnh vực ngoài bất động sản.

“Việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Không chỉ do là mức lãi suất của FED vẫn thấp mà còn do trạng thái chính sách tiền tệ và kinh tế của Việt Nam hiện nay đang khác so với Mỹ. Tuy nhiên, những biến động ở thị trường chứng khoán Mỹ ít nhiều cũng sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam, nhưng tác động này chỉ ngắn hạn”, ông Huỳnh Minh Tuấn nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn