MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp lực điều chỉnh đang gia tăng mạnh với chỉ số chứng khoán VN-Index. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Chứng khoán: VN-Index dao động trong biên độ, áp lực điều chỉnh mạnh dần

Thế Lâm LDO | 08/03/2022 22:48
Phiên giảm điểm mạnh theo đà giảm của chứng khoán thế giới ngày 8.3 cho thấy thị trường đang có những khó lường. Áp lực điều chỉnh đang hiện hữu.

Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã từng dự báo chỉ số VN-Index có biên độ dao động từ vùng 1.470-1.480 điểm đến 1.520-1.530 điểm. Cho dù phiên ngày 8.3 VN-Index giảm mạnh hơn 25 điểm nhưng vẫn đang dao động trong vùng dự báo. Tuy nhiên theo PHS, trong trường hợp chỉ số không thể giữ được trên vùng hỗ trợ gần quanh ngưỡng 1.470 điểm (MA100) thì có thể chịu sức ép về lại vùng 1.400-1.420 điểm (MA200).

Thị trường đang cho tín hiệu suy yếu sau phiên giảm ngày 8.3. Nhà đầu tư nên quan sát thị trường một cách thận trọng và cân nhắc hạ tỉ trọng khi các ngưỡng hỗ trợ gần bị phá vỡ.

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), VN-Index đang có những bước đi khó lường trong biên độ rộng do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới. Có thể thị trường sẽ e dè trong những phiên tới, hoặc có thể sẽ có những dòng tiền nhanh nhạy bắt đáy và đẩy chỉ số bật lên.

Nhận định từ Công ty chứng khoán SHS, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự thể hiện tốt hơn hẳn các thị trường lớn trên thế giới. Trên góc độ phân tích kỹ thuật, với phiên giảm mạnh ngày 8.3 nhưng VN-Index vẫn đang giữ được biên độ dao động 1.470-1.520 điểm từ sau Tết đến nay và mẫu hình nến của 3 phiên gần đây khá giống với mẫu hình nến của 3 phiên từ ngày 10-14.2.

Do đó, nếu như không có những sự kiện tiêu cực xảy ra thì VN-Index có thể hồi phục trở lại trong phiên tiếp theo ngày 9.3. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết như khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và cân nhắc mua thêm nếu như có nhịp điều chỉnh về hỗ trợ 1.425-1.450 điểm.

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), VN-Index giảm điểm trong xu thế chung của các thị trường tài chính, khi mà căng thẳng nguồn cung rõ ràng sẽ gây lạm phát bất lợi cho nhiều doanh nghiệp.

Nhưng trong nguy có cơ, DAS khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán có thể không cần quá chú trọng vào chỉ số chung, và có thể tìm thấy cơ hội trong điều kiện mới, khi mà các mặt hàng cơ bản và có vai trò thiết yếu cho nền kinh tế như xăng dầu, sắt thép, hoá chất -  phân bón… đang có khoảng trống tăng giá và tăng sản lượng cho các nhà cung cấp Việt Nam.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực bán vẫn đang gây sức ép lên thị trường. Nhìn chung, thị trường vẫn trong chiều hướng giảm điểm, tuy nhiên VN-Index đã lùi về gần hỗ trợ 1.470 điểm và VN30-Index đang ở vùng MA200 (vùng 1.490 điểm), nên có khả năng nhịp giảm của thị trường có thể tạm thời sẽ được kiềm hãm và có động thái hồi phục nhẹ để thăm dò cung cầu.

Rủi ro vẫn đang tiềm ẩn và áp lực bán có thể sẽ tiếp tục gây áp lực khi thị trường hồi phục nên nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, có thể cân nhắc nhịp hồi phục của thị trường để tiếp tục cơ cấu danh mục và đưa tỉ trọng danh mục về mức an toàn để phòng ngừa rủi ro.

Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chú ý cơ cấu lại danh mục. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Nhà đầu tư được khuyến nghị ngừng mua vào và cơ cấu lại danh mục để giảm rủi ro. Tỉ trọng cổ phiếu ngắn hạn phù hợp giai đoạn này là 55-60% danh mục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn