MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chứng khoán: Xuống 1.406 điểm, liệu đã là đáy?

Đức Mạnh LDO | 19/04/2022 21:57

Quán tính bán tháo và áp lực bán giải chấp đã khiến VN-Index thủng "lằn ranh đỏ" MA200. Nhà đầu tư chứng khoán không khỏi bất ngờ khi chỉ số đại diện "lật mặt" quá nhanh chỉ trong 45 phút kết phiên chiều.

Phiên sáng nay (19.4) ghi nhận tín hiệu hồi phục tích cực khi chỉ số chung VN-Index trở lại 1.441 điểm. Tuy nhiên thanh khoản thấp vì nhà đầu tư vẫn còn dè dặt chưa muốn tham gia. Đổ về cuối phiên chiều, áp lực bán giải chấp bắt đầu ập đến kéo theo thanh khoản tăng đột biến.

Chỉ trong 45 phút kết phiên, VN-Index lao thẳng xuống 1.406 điểm, mất hơn 26 điểm, tức 1,83%. HNX-Index giảm 10,43 điểm, tức 2,59% xuống 392,69 điểm. UPCOM-Index giảm 1,89 điểm, tức 1,71% xuống 108,32 điểm.

Toàn sàn có 255 mã tăng, 650 mã đứng giá, 530 mã giảm và 164 mã giảm sàn. Thanh khoản trên HOSE là 22.656 tỉ đồng, tổng 3 sàn đạt 27.500 tỉ đồng, thấp hơn mức gần 30.000 tỉ đồng trong phiên hôm qua. Có thể thấy dù áp lực bán giải chấp trên diện rộng nhưng lượng cầu bắt đáy vẫn ở mức đáng kể.

Tính trong 8 phiên giảm ngắt quãng liên tục gần đây, VN-Index mất hơn 117 điểm, tức 7,7%. 

  Thanh khoản đã "dịu" dần trong phiên hôm nay 19.4 so với trung bình 5 phiên vừa qua. Ảnh: FiinTrade

"Tội đồ" của thị trường hôm nay phần nào đến từ áp lực bán giải chấp vào cuối phiên chiều khi lệnh call margin xuất hiện. Nhiều ý kiến còn cho rằng có tình trạng call margin chéo. Các cổ phiếu đầu cơ bị bán giải chấp nhưng thanh khoản hạn chế khiến các bên cho vay phải đem cả những cổ phiếu cơ bản tốt ra bán vào cuối phiên để thu hồi vốn.

Ngân hàng, chứng khoán và bất động sản là 3 nhóm quan trọng dẫn dắt thị trường đều lún sâu khiến cho VN-Index không thể trụ nổi trên tham chiếu. Chỉ số đại diện cho ngành tài chính VNENE giảm 0,87%. Chỉ số đại diện cho ngành bất động sản VNREAL mất 1,68%.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ bị bán mạnh nhất khi chỉ số VNSML giảm 3,12%. VNMID giảm 2,64%. 25/30 mã trong rổ VN30 đỏ lửa.

Hầm trú ẩn gọi tên nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển và bán lẻ khi đua nhau bứt phá. Trong đó, HAH tăng 4,27%, GMD tăng 2,5%, FRT tăng 5,14%, DGW tăng 1,61%, VJC tăng 3,47%, HPG tăng 1,52%...

Ở chiều ngược lại, khối ngoại hôm nay giao dịch đầy tích cực. Nhóm này mua ròng mạnh hơn 2.309 tỉ đồng, tập trung vào DPM, GEX và KBC. Họ bán ra hơn 2.034 tỉ đồng, chủ yếu ở DGC, SSI và MSN.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã thủng nhiều đường hỗ trợ quan trọng, trong đó có MA200 duy trì suốt từ tháng 8.2020 đến nay. Đồng thời chỉ số cũng nằm ngoài dải Bollinger band dưới, tức tín hiệu khá tiêu cực. Nhà đầu tư kỹ thuật đã mạnh tay xử lý danh mục của mình phần nào vì lý do này.

Đường xu hướng ngắn hạn, tương ứng vùng 1.450 - 1.460 điểm đã bị phá vỡ nên sẽ chuyển từ hỗ trợ thành kháng cự trong tương lai. Khối lượng giao dịch nằm dưới mức trung bình 20 ngày nên dự kiến sẽ có khó tăng trưởng bất ngờ xảy ra trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) đã chạm mốc 30. Nhìn vào đồ thị từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi khi chỉ số chạm đường này là lập tức vắt lên. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng đây chính là đã xác nhận đáy.

Về VN30, chỉ số này đã rơi khỏi vùng 1.460 - 1.480 điểm. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Khối lượng giao dịch vẫn trên mức trung bình 20 ngày cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa rời bỏ thị trường.

  Đồ thị của chỉ số VN-Index. Ảnh chụp màn hình

Trong thời gian tới, dù là đầu tư dài hạn hay lướt sóng thì các chứng sĩ vẫn cần luôn ưu tiên quản trị rủi ro, hạn chế tối đa sử dụng margin và tôn trọng kỷ luật cắt lỗ. Nhà đầu tư vẫn nên chờ đợi phiên xác nhận tạo đáy, thận trọng mua trung bình giá khi cổ phiếu chưa kết thúc đợt giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn