MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng người bán nhiều hơn người mua ở các khu chợ kiểu mới là phổ biến. Ảnh: Nguyễn Thúy

Chuyển đổi nửa vời, loạt chợ kiểu mới ở Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm

Nguyễn Thúy LDO | 08/04/2023 18:47

Chuyển đổi nửa vời, thiết kế thiếu hợp lý và sắp xếp các gian hàng không thuận lợi cho người mua là những yếu tố được cho khiến nhiều khu chợ kiểu mới tại Hà Nội ế ẩm, vắng khách.

Chuyển đổi nửa vời

Sau khi phá dỡ để xây trung tâm thương mại, một số khu chợ nổi tiếng sầm uất của Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Mơ, Ngã tư Sở… đều trở nên ế khách. Thực trạng “đếm người” trong chợ làm cho nhiều tiểu thương rơi vào tình trạng lao đao vì nguồn thu nhập bị giảm sút.

Dù là sáng sớm hay gần trưa, tất cả đều ngồi lướt điện thoại, chơi game và tán gẫu với nhau để giết thời gian. Thậm chí, hàng loạt ki-ốt treo biển cho thuê, bán gấp, chuyển nhượng giá rẻ nhưng cũng không có khách hỏi khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Việc thiết kế khu chợ chưa hợp lý, công trình được bố trí chủ yếu là chức năng trung tâm thương mại, chợ chỉ là phụ và chiếm tỷ lệ nhỏ. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tại trung tâm thương mại chợ Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) dù được đầu tư khá bài bản, quy mô, song hầu hết tiểu thương lẫn khách hàng vào đây đều cho rằng việc chuyển đổi từ chợ truyền thống sang mô hình trung tâm thương mại rất nửa vời.

Chị Nhã Hương - tiểu thương tại chợ Việt Hưng - cho hay, tâm lý người dân muốn mua sắm hàng cao cấp thì sẽ chọn trung tâm thương mại cao cấp hẳn, có nhiều hàng hiệu. Còn nếu có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày thì đến các cửa hàng tạp hóa, chợ cóc vừa nhanh, tiện lại rẻ hơn.

Vắng khách, chủ hàng ngồi túm tụm buôn chuyện hoặc chơi điện thoại giết thời gian. Ảnh: Nguyễn Thúy

Với lý do đó, dù khu chợ được xây dựng 5 tầng nhưng chỉ có 2 tầng hoạt động. Cụ thể, tại tầng 1, 2 số lượng các ki-ốt đóng cửa, ngừng hoạt động chiếm tới 80%. Tầng 3, 4, 5 tất cả các gian hàng phủ bụi, không một bóng người.

Tình trạng này cũng phổ biến với các trung tâm thương mại khác trên địa bàn TP Hà Nội. Đơn cử, tại chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các gian hàng cá, thịt, rau… lại bố trí ở dưới tầng hầm nên không được khách hàng quan tâm, chú ý.

Nhiều gian hàng thực phẩm ở khu vực tầng hầm khiến việc mua bán gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thúy

Trong khi đó, theo chị Ngọc Thảo - một tiểu thương ở đây, việc mua sắm ở các chợ cóc thuận tiện và phù hợp hơn bởi nếu vào trong chợ mua mớ rau mà mất tới 5.000 đồng tiền gửi xe thì chẳng ai xuống.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân khiến các khu chợ kiểu mới tại Hà Nội hoạt động không hiệu quả là do việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý.

Các sạp hàng hóa, thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm khiến chợ mất khách. Ảnh: Nguyễn Thúy  

Hầu hết các khu chợ được cải tạo tại Hà Nội trông như một tòa nhà văn phòng, phía trên là để cho thuê, các sạp hàng hóa, thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm, bãi đỗ xe không thuận lợi, giá gửi xe cao khiến chợ mất khách. Kết quả, chợ truyền thống mất dần, trung tâm thương mại mới mọc lên đìu hiu, ế ấm.

Thói quen của người tiêu dùng thay đổi

Ngoài việc kết cấu hạ tầng chưa hợp lý, theo tìm hiểu của PV Lao Động, đa phần tiểu thương tại các khu chợ trung tâm thương mại đều cho rằng việc mua sắm ở chợ những năm gần đây ảm đạm là do “cơn lốc” mua hàng online.

Sự tiện lợi của các nền tảng bán hàng trực tuyến với những mẫu mã mới kèm ưu đãi như mã giảm giá, miễn phí giao hàng... là những lý do thu hút người tiêu dùng. 

Thói quen của người tiêu dùng thay đổi khiến hàng loạt ki-ốt tại chợ đóng cửa, bỏ trống. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Chỉ cần ngồi xem livestream, chốt đơn. Mẫu mã mình đặt sẽ được giao hàng tận nơi. Bản thân tôi cũng bị cuốn vào cách mua hàng này, huống gì người khác”, chị Mai Anh - tiểu thương tại chợ Mơ - cho biết.

Trong khi đó, với các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau…đa phần người dân sẽ chọn mua ở chợ cóc hoặc các siêu thị.

Các ki-ốt trong tình trạng phủ bụi nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo Sách Trắng năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt 16,4 tỉ USD. Có khoảng 57 - 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người từ 260-285 USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn