MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tọa đàm chuyển đổi số báo chí tại TPHCM ngày 23.12. Ảnh: Thế Lâm.

Chuyển đổi số có khó khăn, nhưng cũng có cơ hội cho báo chí phát triển

Thế Lâm LDO | 23/12/2021 15:07

Báo cáo tại tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng cho rằng, tiến trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, thách thức trước hết là về nhận thức và năng lực thực hiện. Một bộ phận không nhỏ những người làm báo vẫn chưa ý thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngại thay đổi, muốn làm báo theo kinh nghiệm và phương cách truyền thống nên rất lúng túng và hạn chế khi áp dụng các phương cách làm báo hiện đại.

Khó khăn lớn thứ hai là hầu hết cơ quan báo chí không đủ nguồn lực về nhân sự và tài chính để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số triệt để, hiệu quả và toàn diện. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn, câu chuyện khai thác kinh tế báo chí trên nền tảng số còn rất mới mẻ.

Ông Tô Đình Tuân - Tổng biên tập báo Người Lao Động - cho rằng, báo in từ đỉnh cao giờ đang ở đáy hoặc có thể sắp "thủng" đáy. Báo in tỉ suất lợi nhuận thấp vì chi phí lớn, ít tờ báo in nào có lãi. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi số rất khó khăn chứ không đơn giản. Trong chuyển đổi số trước hết là cần nhận thức đúng và đồng bộ. Ba yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số báo chí được ông Tuân nêu ra là nhân lực, công nghệ và tài chính.

Đó cũng chính là những vấn đề thách thức và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số tại một số tòa soạn báo đã được đề cập đến.

Theo đại diện công ty công nghệ FSI, chuyển đổi số báo chí sẽ giúp gia tăng, tối ưu trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình thu thập tin tức, cung cấp tin tức và phương thức thanh toán chứ không phải chỉ trang bị máy móc hiện đại.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – đại diện một đơn vị cung cấp giải pháp thuộc Viettel cho rằng, trong chuyển đổi số thì công nghệ và quy trình, quy định, con người đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, đối với chuyển đổi số báo chí, nên xem xét mô hình nội dung số, nội dung càng chuyên sâu càng thu hút người xem. Vị đại diện này đưa ra đề xuất, nên tìm kiếm và áp dụng nền tảng công nghệ dùng chung cho các cơ quan báo chí có thể tiếp cận và sử dụng.

Từ góc độ chính quyền, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, chuyển đổi số là thay đổi tư duy, cách nghĩ, cần tư duy mới. Chuyển đổi số cần thực hiện căn cơ và toàn diện, từ tòa soạn, lãnh đạo báo đến phóng viên.

Ông Đức cũng cho rằng, chuyển đổi số báo chí giúp xây dựng quy trình không những tăng tốc độ thông tin mà còn giúp phân tích, đánh giá, kiểm soát nhanh, tốt, đầy đủ những nội dung các tòa soạn sản xuất ra. Nếu vẫn bám theo tư duy cũ, công nghệ cũ, các cơ quan báo chí chắc chắn sẽ không theo kịp sự thay đổi.

“Chuyển đổi số báo chí là quá trình tất yếu, không thể đảo ngược. Chuyển đổi số vừa có khó khăn, nhưng cũng có cơ hội cho báo chí phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới”, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM – khẳng định.

Ông Thắng ghi nhận 5 vấn đề thách thức, khó khăn lớn của các cơ quan báo chí gặp đổi số và năng lực chuyện đổi số giới hạn. Thứ hai là công nghệ, cụ thể là thiếu thông tin công nghệ, chưa tự chủ công nghệ, thiếu giải pháp công nghệ từ doanh nghiệp. Thứ ba là tình trạng ăn cắp bản quyền. Thứ tư là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nền tảng xuyên biên giới. Thứ năm là tài chính đầu tư cho công nghệ, đầu tư cho nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn