MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia: Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã quá coi trọng doanh số

TRÍ MINH LDO | 26/04/2023 15:28

Để lấy lại niềm tin cho thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT), giới chuyên gia cho rằng, các công ty bảo hiểm nên có những mục tiêu tăng trưởng thực chất hơn và siết chặt khâu đào tạo, tuyển dụng tư vấn viên. 

Vừa qua, theo chia sẻ của Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), thị trường BHNT đang trải qua một giai đoạn khó khăn. 

Tính đến cuối tháng 3, tổng số lượng hợp đồng BHNT ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, số lượng hợp đồng có sự suy giảm đáng kể gần 250.000 hợp đồng. Tổng doanh thu ba tháng năm 2023 ước đạt 37.849 tỉ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường BHNT đang ở vào giai đoạn hết sức khó khăn. Ảnh: Hải Anh

Trong năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý bảo hiểm vào danh sách vi phạm. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ...

Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm nói rằng kể từ khi có mặt ở thị trường Việt Nam năm 1996 đến nay, đây là lúc ngành BHNT đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Mà nguyên nhân có thể đến từ sự suy giảm niềm tin của thị trường, khiến ít người mua bảo hiểm hơn và có khách hàng mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) dừng đóng tiếp.

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nếu không tự điều chỉnh, nâng cấp hơn nữa về quy trình, nghiệp vụ thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.

Trao đổi về vấn đề giải pháp lấy lại niềm tin cho thị trường bảo hiểm, ông Trần Nguyên Đán - Giảng viên chuyên ngành bảo hiểm (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) - nói rằng cần phải khẳng định thời gian qua thị trường BHNT đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2022, có hơn 40.000 tỉ đồng đã được dành để chi trả quyền lợi BHNT. Các công ty BHNT cũng đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 600.000 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến thị trường rơi vào khó khăn là bởi chính các công ty bảo hiểm đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm quá cao.

"Các công ty bảo hiểm đã quá xem trọng doanh số hơn là chất lượng của doanh số đó, quan trọng số lượng đại lý hơn chất lượng đại lý. Bên cạnh đó, khâu tuyển dụng dễ dãi và việc sát hạch đào tạo chưa nghiêm dẫn đến kết cục có rất nhiều tư vấn viên bảo hiểm ở bên ngoài thị trường không đạt chuẩn" - ông Trần Nguyên Đán nói. 

Vị này cũng cho rằng cần đặt ra những mục tiêu thực chất hơn để tránh việc chỉ tập trung vào con số tăng trưởng mà bất chấp các câu chuyện khác của ngành.

"Chúng ta nên đặt mục tiêu mỗi năm tăng trưởng thị trường bảo hiểm ở mức bao nhiêu mà ở đó giảm bớt hẳn số lượng khiếu nại và những điều không hài lòng" - ông Đán nói thêm. 

Chuyên gia này nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xử lý khủng hoảng của ngành bảo hiểm hiện nay là hết sức quan trọng. Cơ quan chức năng cần đưa ra những hướng dẫn, những quy định, khung pháp lý rõ ràng, xử phạt nghiêm minh để chấn chỉnh thị trường. 

Liên quan đến vấn đề này, sau khi xảy ra nhiều ồn ào về BHNT, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương, nghiêm túc rà soát lại tổng thể các quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Nghiêm túc thực hiện quy định về công khai thông tin về hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, đặc biệt là công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều 119 Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm đã tham gia.

Kiểm soát các thông tin nêu tại bảng minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu tại tài liệu này dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm không phù hợp với thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn