MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ có hai kịch bản về CPI trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Minh Quân

Chuyên gia chỉ cách kìm chế lạm phát nửa cuối năm

Xuyên Đông LDO | 14/07/2023 10:00

Một trong số các giải pháp được đưa ra là cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.

Kịch bản nào cho lạm phát?

Trong 2 quý đầu năm 2023, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1.2023 nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn dự báo trước đó (dần về 3% vào cuối năm).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6.2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%.

TS Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính) phân tích, sự suy giảm mạnh của lạm phát trong nửa đầu năm 2023 xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm hoặc sụt giảm. Thứ hai, là tăng trưởng cung tiền thấp. Thứ ba, là lãi suất thực ở mức quá cao đã cản trở phục hồi kinh tế và làm tăng nợ xấu.

Đưa ra dự báo lạm phát cho cả năm 2023, theo TS Nguyễn Đức Độ, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu nêu trên không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỉ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Về giá dầu, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng (có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024), giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh. Còn tỉ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng khá ổn định nhờ Việt Nam xuất siêu 12,25 tỉ USD.

Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỉ giá USD/VND sẽ được giữ ổn định trong biên độ +/- 1-2%.

“Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12.2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%” - vị chuyên gia cho hay.

Theo TS Lê Quốc Phương (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương) nhận định, CPI trong cả năm 2023 sẽ diễn ra theo hai kịch bản.

Với kịch bản thứ nhất, khi kinh tế thế giới suy thoái, giá cả toàn cầu không tăng, nếu kết hợp các yếu tố thuận lợi và bất lợi trong nước và thế giới, CPI 6 tháng cuối năm của nước ta có thể sẽ không tăng mạnh. CPI bình quân cả năm sẽ khoảng 3,5%.

Với kịch bản thứ hai, khi kinh tế toàn cầu được phục hồi, giá thế giới tăng nhẹ, nếu cân đối các yếu tố thuận lợi và bất lợi, CPI 6 tháng cuối năm của nước ta có thể tăng cao hơn nửa đầu năm 2023. CPI bình quân theo đó sẽ vào khoảng 4 - 4,5%.

Giải pháp kiểm soát lạm phát

Để kiểm soát lạm phát trong 2 quý cuối năm 2023, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp.

Cập nhật sát diễn biến kinh tế và lạm phát trên thế giới để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Phối hợp chính sách tiền tệ thận trọng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế.

Các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (y tế, giáo dục, điện) cần được điều chỉnh vào thời điểm phù hợp.

Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý và có biện pháp điều hành phù hợp.

Bên cạnh đó, cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến. Các công cụ điều tiết giá để bình ổn thị trường cần được sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá cũng như tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý các vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn