MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu tại Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: NVCC

Chuyên gia cho rằng cần quen với tỉ giá đạt mức nền mới trên 24.000 đồng

Đức Mạnh (thực hiện) LDO | 22/09/2023 15:00

Những tuần qua, giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục “nổi sóng”, có thời điểm chạm mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tỉ giá niêm yết tại Vietcombank ngày 21.9 ở mức 24.120 - 24.460 đồng. Nhiều nhà đầu tư lo ngại tỉ giá sẽ tăng nóng như năm 2022 có thể gây tác động tiêu cực. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu tại Chứng khoán MB (MBS) - xung quanh vấn đề này.

Thưa bà, bà đánh giá như nào về diễn biến của tỉ giá trong thời gian gần đây?

- Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến tỉ giá. Thứ nhất là do yếu tố bên ngoài khi có sự phân hoá giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và các ngân hàng trung ương châu Á. Trong khi FED tiết lộ khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ kéo dài thì các ngân hàng trung ương lớn ở châu Á lại phát tín hiệu tiếp tục nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Hầu hết tại các nước có chính sách tiền tệ ngược chiều như Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, đồng tiền đều đã giảm giá khá mạnh so với đồng USD. Do đó Việt Nam không tránh khỏi xu hướng đó khi bắt đầu nới lỏng tiền tệ từ quý I/2023.

Thứ hai, ở phía trong nước, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp. Sau nhiều lần cắt giảm lãi suất, lãi suất của đồng VND trở nên thấp hơn so với USD. Các ngân hàng đồng loạt vay tiền USD đổi sang tiền đồng đã làm tăng nhu cầu USD trong nước. Do đó đây là nhu cầu giao dịch từ phía các ngân hàng thương mại chứ không phải nhu cầu thực tế.

Chúng ta đang đối mặt với bài toán khó khi phải cân bằng tỉ giá và đảm bảo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Vậy theo bà, diễn biến của tỉ giá trong thời gian tới sẽ như nào?

- Nếu vào thời điểm trước, Ngân hàng Nhà nước thường duy trì tỉ lệ mất giá tiền Đồng vào khoảng 2%, cao nhất là 2,5% để đảm bảo các dòng vốn không chảy ra khỏi Việt Nam. Đồng thời sẽ không bị nhập khẩu lạm phát cũng như đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ vay không bị tăng chi phí.

Nhưng hiện nay, Việt Nam có thể hấp thụ được mức mất giá của tiền đồng lên khoảng 3 - 3,5%. Nếu vượt quá sẽ khó kiềm chế vì làm tăng lạm phát. Bởi thực tế lạm phát đang có xu hướng tăng dần khi giá dầu, phân bón, hoá chất, thực phẩm… đang nhích dần lên. Trường hợp tỉ giá tăng trên 3% sẽ đẩy lạm phát vượt 4%. Trong khi mục tiêu hiện tại là kiểm soát lạm phát và kích thích khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tôi dự báo tỉ giá sẽ dao động quanh mức 24.300 - 24.500 đồng từ nay đến cuối năm. Lần tăng nóng này sẽ không mang tính thời điểm mà đã thiết lập một mặt bằng tỉ giá mới. Chúng ta nên tập làm làm quen với việc tỉ giá vượt mốc 24.000 đồng. Nguyên nhân là FED có thể vẫn duy trì chính sách thắt chặt đến cuối giữa năm 2024. Việt Nam xuất khẩu chưa có sự phục hồi rõ nét, trong ít nhất từ nay đến hết quý I năm sau, chúng ta nên làm quen với mặt bằng tỉ giá mới.

Tuy nhiên sang năm sau, sự mất giá của tiền đồng sẽ không vượt quá 3% mà chỉ dưới 2%. Khả năng tới giữa năm 2024, FED sẽ giảm lãi suất nên chỉ số USD-Index sẽ yếu dần đi từ quý II/2024. Khi đó, dòng tiền sẽ dịch chuyển từ đồng bạc xanh sang những đồng tiền khác.

Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn