MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia: Đề xuất lùi Nghị định 65 là tích cực nhưng chưa "căn cơ"

Đức Mạnh LDO | 14/12/2022 18:25
Chuyên gia đánh giá việc lùi thời điểm thực hiện Nghị định 65 là một bước hợp lý và cần thiết để vực dậy thị trường trái phiếu. Tuy nghị định sửa đổi này có nhiều điểm tích cực nhưng vẫn mang tính ứng phó.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Trong đó, Bộ đề xuất lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì thi hành ngay với việc áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về xếp hạng tín nhiệm...

Đáng chú ý, Bộ đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận.

Ngoài ra, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

  Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được Bộ Tài chính đề xuất. Ảnh: FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT - đánh giá việc giãn thời gian thực hiện quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm là tích cực cho thị trường. Bởi Nghị định 65 đã làm giảm số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kéo theo giảm lượng cầu. Đồng thời, thị trường có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới.

Thứ hai, việc giãn thời gian phân phối trái phiếu sang 1.1.2024 sẽ giúp doanh nghiệp và các công ty chứng khoán “dễ thở” hơn và tăng khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu.

Thứ ba, giãn thời gian với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ giúp giảm các điều kiện phát hành, đặc biệt các doanh nghiệp có vay nợ trái phiếu nhiều, nhất là bất động sản. Mặt khác, thị trường cũng có thời gian đáp ứng các chỉ tiêu về dư nợ trái phiếu và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm.

Thứ tư, việc cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn tối đa 2 năm sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.

Thứ năm, khi cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác sẽ mở ra cơ chế thoả thuận đối với trái phiếu, lấy tài sản hay chuyển đổi thành khoản vay giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.

Lãnh đạo FIDT đánh giá: "Đây là một bước hợp lý và cần thiết để vực dậy thị trường trái phiếu. Dự thảo sửa đổi cũng làm dễ dàng hơn điều kiện phát hành, gỡ khó một phần thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản. Thời gian tới, làn sóng mua lại trái phiếu sẽ hạ nhiệt và áp lực đáo hạn trái phiếu cũng nhẹ nhàng hơn.

Tuy nghị định sửa đổi này có nhiều điểm tích cực nhưng tôi cho rằng thực chất vẫn mang tính ứng phó nhiều hơn. Bởi "câu chuyện" thị trường trái phiếu bây giờ là thanh khoản và niềm tin. Niềm tin ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản. Để vực niềm tin trên thị trường trái phiếu, cần một thời gian để thẩm thấu những chính sách trên."

Theo ông Tuấn, giải quyết trái phiếu chỉ là giải pháp một sớm một chiều, giống như “nắng hạn gặp mưa rào”. Để giải quyết được vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản thì cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc cấp room tín dụng. Các doanh nghiệp bất động sản cũng cần chủ động hạ giá bán sản phẩm. Việc này có thể kích thích dòng tiền bắt đáy và tạo thanh khoản cho thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn