MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc sau khi mở cửa biên giới

Quý An (theo Bloomberg) LDO | 12/01/2023 12:56
Sự kết thúc của chính sách “zero-COVID” và sự đảo ngược chính sách trong lĩnh vực bất động sản là một khởi đầu tốt của Trung Quốc

Bước tiếp theo là củng cố sức mua của các hộ gia đình.

Sau khi nới lỏng chính sách chống dịch, Bắc Kinh cần nỗ lực hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở bất kì đâu gần với tốc độ trước đại dịch là 6% một năm.

Yao Yang, Hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia – Đại học Bắc Kinh, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc - cho biết: “Bản thân lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm để mang lại tăng trưởng”.

Sức mua của người dân sẽ là chìa khóa thúc đẩy mức tăng trưởng của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Làn sóng lây nhiễm vẫn còn là nguy cơ với Trung Quốc, cản trở hoạt động kinh tế, nhưng các nhà kinh tế dự đoán tác động kéo dài của việc mở cửa trở lại sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Một số nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến dự báo là Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng trung bình là 4,9% vào năm 2023. Con số này nằm trong khoảng 4,5% - 5,5% mà các cố vấn của chính phủ Trung Quốc đã khuyến nghị nên được thông qua làm mục tiêu chính thức.

Yao Yang cho biết, để đẩy tăng trưởng lên giới hạn cao hơn sẽ yêu cầu chi tiêu của người tiêu dùng tăng hơn 6%. Đó không phải một mục tiêu dễ dàng.

Một trong những hệ quả tích cực của chính sách chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc là các hộ gia đình đã tích lũy được một khoản tiết kiệm khổng lồ vào năm 2022. Đã có 13.200 tỉ nhân dân tệ (1.900 tỉ USD) tiền gửi ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022 - một con số lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Hàn Quốc. Nhưng sự gia tăng tiết kiệm này chủ yếu xảy ra ở những người có thu nhập cao, họ có nhiều khả năng sẽ đầu tư số tiền dư thừa của mình hơn là chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.

Niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng vào năm 2022 do các đợt phong tỏa trên diện rộng và các chính sách thắt chặt đối với lĩnh vực bất động sản và công nghệ. Tiền lương ở các thành phố của Trung Quốc chỉ tăng 2,2% (đã điều chỉnh theo lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2022), thấp hơn một nửa so với mức trước đại dịch. Số thanh niên thất nghiệp đạt gần 20%.

Các biện pháp kiểm soát COVID-19 của chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng được dỡ bỏ, nhưng người tiêu dùng vẫn sẽ gặp khó khăn. Houze Song, nhà kinh tế tại tổ chức tư vấn MacroPolo, cho biết: “Sau ba năm tăng trưởng thu nhập lẹt đẹt, sẽ cần thời gian để thuyết phục các hộ gia đình Trung Quốc rằng tương lai sẽ tốt hơn nhiều so với trước đó”.

Trung Quốc đang cố gắng vực dậy ngành bất động sản. Ảnh: Xinhua

Chi tiêu của người tiêu dùng yếu cộng với nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ châu Âu và Mỹ đang giảm, sẽ khiến Bắc Kinh phải tăng cường tiêu dùng trong năm nay.

Một đòn bẩy chắc chắn sẽ kéo theo chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, mà một số nhà kinh tế dự báo sẽ tăng gần 10% vào năm 2023 - gấp đôi so với tỉ lệ trước đại dịch. Các doanh nghiệp sẽ có thể vay các khoản giá rẻ để có thể đầu tư. Chính phủ Trung Quốc cũng dường như quyết tâm hạ nhiệt ngay cả với ngành công nghệ. Những hành động này có thể sẽ thúc đẩy việc làm và tiền lương.

Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giữ lãi suất ở mức thấp hoặc có thể cắt giảm lãi suất, ngay cả khi các đối tác của họ ở châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng lãi suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn