MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông David Rogers- chuyên gia và nhà tư vấn hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Ảnh: Hương Nguyễn

Chuyên gia hàng đầu thế giới và lời khuyên giúp Việt Nam chuyển đổi số thành công

LAN HƯƠNG (thực hiện) LDO | 11/11/2023 22:49

“Nhiều công ty rất đam mê công nghệ nhưng công nghệ không phải là chuyển đổi số. Công nghệ chỉ là công cụ để chúng ta sử dụng để theo đuổi và hiện thực hóa chiến lược của mình. Chuyển đổi số sẽ không thể diễn ra thành công nếu chỉ bắt nguồn từ những mệnh lệnh từ cấp trên đưa xuống. Doanh nghiệp cần trao quyền cho nhân viên. Hãy trao cho nhân viên quyền quyết định những thứ trong chuyên môn của mình. Hãy xây dựng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho nhân viên”. Đó là lời khuyên của ông David Rogers - giảng viên Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ) và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất trong lĩnh vực này.

Thưa ông, chuyển đổi số có ý nghĩa và lợi ích gì cho nền kinh tế?

- Chuyển đổi số là trọng tâm phát triển kinh tế tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Chuyển đổi số diễn ra trên mọi lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, tài chính, công ty công nghiệp, thậm chí là ở tầm Chính phủ cũng cần chuyển đổi. Bởi vì các tổ chức này đều đang đối mặt với các vấn đề thách thức trong thời đại của sự thay đổi, sáng tạo và công nghệ. Không chỉ các công ty mà ngay cả Chính phủ cũng cần chuyển đổi số.

Ông đánh giá như thế nào về công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam? Việt Nam có lợi thế gì trong quá trình chuyển đổi số?

- Tôi thấy nhiều tiềm năng. Tôi được chứng kiến chuyển đổi số tại các công ty tư nhân mà tôi có cơ hội làm việc khi đến Việt Nam. Họ thay đổi mô hình tổ chức, không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới và đổi mới chính mình. Tôi cũng nhìn thấy Việt Nam có nhiều công ty startup đang tìm các mô hình kinh doanh mới, giải pháp và giá trị mới cho xã hội. Chuyển đổi số ở Việt Nam còn có sự đồng hành của Chính phủ. Tôi có dịp làm việc với Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng ở Việt Nam về công cuộc chuyển đổi số. Tôi rất mừng khi họ thực sự quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số.

Theo ông, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt khi chuyển đổi số là gì?

- Chuyển đổi số là bài toán khó cho tất cả mọi người. Chuyển đổi số ở Việt Nam cũng đối mặt với thách thức tương tự như các quốc gia khác trên thế giới.

Một điều khá phổ biến, tôi thường gặp ở các công ty lâu đời ở Việt Nam hay tại Mỹ là mô hình quản lý từ trên xuống dưới. Lãnh đạo cao cấp là người đưa ra quyết định và cấp dưới phục tùng. Tư duy này cần thay đổi. Chuyển đổi số không thể diễn ra thành công nếu chỉ bắt nguồn từ những mệnh lệnh từ trên xuống.

Các nhân viên cần trả lời các câu hỏi: Vấn đề khó khăn phải giải quyết là gì? Tại sao các vấn đề này cần quan tâm? Sau đó họ liên kết các vấn đề vướng mắc này lại rồi đưa ra giải pháp thay đổi. Quyết định được đưa ra từ cấp dưới của tổ chức rồi áp dụng dần trong một nhóm nhỏ. Sau đó mới dần sáng kiến lớn áp dụng cho cả công ty. Đây mới là cách chúng ta nên làm cho các công ty dù là lớn hay nhỏ hay ở tầm Chính phủ.

Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia không, thưa ông?

- Lộ trình chuyển đổi số gồm 5 bước. Cần phải trả lời các câu hỏi như: Làm thế nào để đổi mới kinh doanh, làm thế nào để cạnh tranh, làm thế nào để tăng thêm giá trị cho khách hàng?

Bước thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định được tầm nhìn chung bởi đây là yêu cầu tiên quyết của thay đổi. Công ty của bạn đang ở đâu, đóng vai trò gì trong nền kinh tế?

Bước thứ hai, thiết lập các thứ tự ưu tiên trong các vấn đề để thực hiện chuyển đổi số.

Bước thứ 3, kiểm chứng các thử nghiệm mới. Nhiều doanh nghiệp ra các kế hoạch rất cồng kềnh và mất nhiều thời gian để duyệt kế hoạch. Nhiều công ty khác lại quá tập trung vào các ý tưởng quá tốn kém. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp thất bại.

Chuyển đổi số sẽ không thể diễn ra thành công nếu chỉ bắt nguồn từ những mệnh lệnh từ trên xuống. Các cấp thấp nhất trong doanh nghiệp cần được thúc đẩy để tạo ra các sáng kiến, sáng tạo. Chuyển đổi cách quản trị cũng chính là bước thứ 4 trong quá trình chuyển đổi số. Theo đó, doanh nghiệp cần trao quyền cho nhân viên bằng cách lập ra các tổ chức và cơ cấu nhỏ. Họ cũng nên có quyền quyết định những thứ trong chuyên môn của mình. Hãy xây dựng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho nhân viên.

Bước thứ 5, phát triển năng lực của doanh nghiệp, trong đó bao gồm 3 yếu tố: công nghệ, nhân tài và văn hoá.

Về phía Chính phủ, cần tạo ra môi trường cho các công ty mới đầu tư, thay đổi, chuyển đổi số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn