MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia hiến kế giải pháp vực lại xuất khẩu Việt Nam

Vân Hà LDO | 04/05/2023 20:00
Xuất khẩu dệt may khó khăn, xuất khẩu gỗ ngóng từng đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4.2023 của Việt Nam giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kì năm trước. Trong bối cảnh xuất khẩu chậm, chuyên gia chỉ ra giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 27,54 tỉ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kì năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỉ USD, giảm 11,8% so với cùng kì năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỉ USD, chiếm 88,5%.

 Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy
 

Trao đổi với PV Báo Lao Động về giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng cần lưu ý.

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm lại các thị trường truyền thống từ trước đến nay như châu Âu, Mỹ, châu Á,… Đáng chú ý, trong các ngành hàng, dệt may hiện đang là ngành nhiều khó khăn nhất, bởi ngoài việc không có đơn hàng, sức cạnh tranh yếu khiến họ còn bị mất đơn hàng tại thị trường truyền thống do đơn hàng đã rơi vào tay các thị trường khác. Do đó, Việt Nam cần nắm lại thị trường bằng cách hiểu rõ bạn hàng cần gì để từ đó có sự thay đổi, đáp ứng xuất khẩu và tăng trưởng theo hướng bền vững.

Trước những dự báo khó khăn về thị trường khi không ít đơn hàng đã rơi vào tay bạn hàng, ông Thịnh cho rằng, giải pháp thứ hai là các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng, hướng đến các thị trường xuất khẩu còn tiềm năng.

"Để làm được điều đó, phải có sự vào cuộc của Đại sứ quán, Bộ Công Thương cũng như các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp lớn. Từ đó, nắm bắt, mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu" - ông Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Yếu tố thứ ba, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp phải chú ý đến thị trường trong nước. Nhu cầu của người dân ngày một cao, khả năng tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Với gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đang được coi là mảnh đất "màu mỡ" để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và chiếm lĩnh thị trường. Bởi vậy, doanh nghiệp cần có giải pháp để thúc đẩy thị trường trong nước và tăng tiêu dùng nội địa.

"Trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Rõ ràng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cao. Do đó, nắm thị trường trong nước cũng là một trong những vấn đề quan trọng ngoài vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu" - ông Thịnh phân tích.

BÕX: * Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp hiện nay gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vay vốn của các ngân hàng. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn nói rằng: "Vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay là vòng quay của vốn không có. Hàng tồn kho, vốn tồn kho mới nhiều còn vốn ngân hàng chỉ là bổ sung. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc giảm lãi suất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Nhưng bản chất, Ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, phải đảm bảo kinh doanh có lãi và thu được nợ vay và lãi vay. Doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận, mình có tài sản đảm bảo, có đủ điều kiện vay không. Doanh nghiệp không thể đòi hỏi quá nhiều từ phía các ngân hàng".

* Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I năm 2023 là 79,3 tỉ USD, giảm 11,8% và có 34/45 nhóm hàng giảm so với cùng kì năm trước. Lũy kế quý I/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 153,79 tỉ USD, giảm 13,5% tương ứng giảm 24,10 tỉ USD so với cùng kì năm trước. Một số ngành hàng chủ lực như xuất khẩu điện thoại và linh kiện; điện tử, máy vi tính và linh kiện; xuất khẩu hàng may mặc; xơ sợi dệt; vải mành, vải kĩ thuật... đều có kim ngạch xuất khẩu giảm.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn