MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia kinh tế “hiến kế” tạo đột phá phát triển kinh tế trong năm 2021

Cao Nguyên (ghi) LDO | 01/01/2021 13:11

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tăng trưởng, thành quả năm 2020 đạt được một phần nào đó cũng do tích lũy từ những năm trước cộng lại. Trong đó, phải nhận thấy những cố gắng của doanh nghiệp, của người dân... Năm 2021 chắc chắn có nhiều khó khăn nhưng nếu tận dụng tốt, chúng ta sẽ thành công.

Vai trò của kinh tế tư nhân

Năm 2020, Việt Nam đã trải qua nhiều thiên tai, sự cố, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặc dù dịch bệnh rất phức tạp, nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới sụt giảm trong khi đó Việt Nam lại tăng trưởng dương là điều đáng được ghi nhận.

Bước sang năm 2021, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”…

Chia sẻ với Lao Động về những mục tiêu trong năm 2021, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tăng trưởng, thành quả năm 2020 đạt được một phần nào đó cũng do tích lũy từ những năm trước cộng lại. Những nền tảng kinh tế tăng trưởng, những cố gắng của doanh nghiệp, của người dân đều tích lũy từ mấy năm nay. Ngoài ra, việc thực thi một hiệp định mới rất nhanh và hiệu quả cụ thể như Hiệp định EVFTA cũng là điểm sáng.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, để năm 2021 tiếp tục có những thành tựu tốt thì chúng ta cần phải có nhiều yếu tố. Trong đó, cần phải coi trọng nền kinh tế tư nhân, phải quan tâm hơn, “cởi trói” và không thất hứa với khu vực này. Từ năm 2017, chúng ta đã có Nghị quyết nói khu vực tư nhân là động lực có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế chưa thực sự làm được nhiều để coi đây là động lực.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh DV.

Trong lĩnh vực tư nhân những năm vừa qua chỉ nổi lên nhất là vai trò của các tập đoàn tư nhân lớn, các đại gia. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào nền kinh tế tư nhân ở một số tập đoàn lớn. Nếu nhìn tổng thể khu vực tư nhân thì rất nhiều doanh nghiệp liêu xiêu, khó khăn. Đặc biệt trong dịp COVID-19 khó khăn và ảnh hưởng nhiều nhất.

“Chưa bao giờ một năm mà có 100.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hầu hết là tư nhân chứ doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ và không thấy báo cáo ngừng hoạt động. Người lao động mất việc làm nhiều chủ yếu do các doanh nghiệp đóng cửa và tập trung ở khu vực tư nhân. Như thế mới thấy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong đóng góp tăng trưởng cũng như giải quyết việc làm cho người lao động là rất lớn. Ủng hộ tư nhân cũng giúp cho người lao động để có công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn”, vị chuyên gia này nói.

Từ đó, theo bà Lan, cần phải quan tâm hơn với khu vực tư nhân, phải làm rõ động lực quan trọng là quan trọng chỗ nào. Nhà nước phải làm gì để thể hiện vai trò của khu vực tư nhân. Ví dụ, nhiều dự án trước đây hợp tác công tư nhưng hiện nay đã chuyển dần cho đầu tư công. Vậy, các doanh nghiệp tư nhân không còn cửa để “nhảy” vào làm. Khi họ khó khăn, không tạo công ăn việc làm cho họ mà kìm hãm họ thì rất khó.

Coi trọng thị trường nội địa

Cùng quan điểm PGS,TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, nguyên nhân của những thành công nằm ở nền tảng tăng trưởng dương là do vĩ mô ổn định vững chắc trong 3 năm 2017-2019, chứ không phải chỉ ở các giải pháp quyết liệt thực hiện trong năm 2020.

Để có được điều này cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp đã đồng lòng, dốc toàn tâm, toàn lực để giữ ổn định kinh tế - xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021 - 2025. Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, phải đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, coi đây là giải pháp căn bản để đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu dùng cốt yếu. Điều này đã được khẳng định trên thực tế diễn biến dịch bệnh COVID-19 cũng như để đảm bảo cho phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo ông Long, nếu dịch được kiểm soát, năm 2021 đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng cho nền kinh tế nước nhà. Bên cạnh đó, nên dùng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ nông nghiệp vì đây là sống lưng của kinh tế Việt Nam và năm 2021 chưa phải là thời điểm để kỳ vọng nhiều vào du lịch. Ngoài ra, các hiệp định thương mại có thể là công cụ để phát triển xuất khẩu, nhưng không nên quá lạc quan với những hiệp định đó, bởi nếu kinh tế thế giới rơi vào ngõ cụt thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn