MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn T. muốn vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay 1,3 tỉ đồng tại ngân hàng BIDV. Ảnh: Minh Ánh

Chuyên gia lưu ý về việc đi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác

Minh Ánh LDO | 10/09/2023 19:04

Theo chuyên gia phân tích tài chính, để vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu về chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo,.... khi vay vốn tại ngân hàng mới.

Có một khoản nợ 1,3 tỉ đồng, vay mua nhà tại BIDV, anh Nguyễn Văn T. (Hà Nội) đang phải chịu mức lãi suất thả nổi 11%.

Mỗi tháng, anh T. phải oằn mình gánh số tiền cả nợ gốc và lãi gần 20 triệu đồng. Vì vậy, khi Thông tư 06 có hiệu lực, anh T. nhanh chóng tìm đến các ngân hàng có mức lãi suất cho vay hấp dẫn để mong đảo nợ.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu, anh T. bày tỏ nhiều băn khoăn khi về các điều kiện có thể vay vốn ngân hàng khác trả nợ cho khoản nợ của anh.

Anh T. nói: "Ngay sau nghỉ lễ, tôi có ra phòng giao dịch của một ngân hàng gần nhà để nhận tư vấn khoản vay trả nợ cho khoản vay tại ngân hàng khác.

Nhân viên ngân hàng đưa ra cho tôi nhiều phương án, trong đó có việc tạo ra một khoản nợ mới tại ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại, tôi không còn tài sản thế chấp và khoản nợ cũ khiến tôi không thể tự tất toán và bắt đầu một khoản vay mới".

Ngoài ra, các chi phí phát sinh khi làm thủ tục vay trả nợ ngân hàng khác cũng làm anh T. băn khoăn và chưa quyết định vay.

Theo ông Cao Việt Hùng - chuyên gia phân tích của Công Ty TNHH Chứng Khoán ACB, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo, do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

"Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng" - ông Hùng phân tích.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản đảm bảo là khác nhau giữa các ngân hàng và do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.

Trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến nay luôn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo, định giá tài sản đảm bảo cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.

Đề cao tác động tích cực của Thông tư 06, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta - cho biết: "Tôi đánh giá cao Thông tư 06/2022/TT-NHNN về tính kịp thời. Thông tư giúp cả người dân và doanh nghiệp có được cơ hội cơ cấu nợ. Nhất là với những người dân, doanh nghiệp chịu khoản vay với lãi suất cao từ cuối năm 2022. Thông tư sẽ giúp người dân tránh tình trạng gặp khó trong vấn đề thanh khoản".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn