MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Công ty FPT Software được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Hoài Anh

Chuyên gia nước ngoài: Kinh tế Việt Nam phục hồi phụ thuộc vào tiêm vaccine

Huyên Nguyễn LDO | 19/07/2021 15:28

"Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tiêm vaccine là giải pháp quan trọng và lâu dài để phục hồi kinh tế lành mạnh" - đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế và tài chính từ Trường Đại học RMIT.

Tiêm chủng là phương án tốt nhất để trở lại trạng thái bình thường

Tiến sĩ Greeni Maheshwari và Tiến sĩ Daniel Borer - hai giảng viên và nghiên cứu viên của Trường Đại học RMIT - nhấn mạnh rằng tiêm chủng là đáp án tốt nhất để khôi phục nền kinh tế đang bị tổn thương và trở lại cuộc sống bình thường.

Trong đó, Tiến sĩ Daniel Borer đặc biệt chỉ ra rằng việc tiêm phòng có thể giúp giảm thiểu rủi ro do gián đoạn nguồn cung ở các khu công nghiệp.

Dịch bệnh bùng phát dữ dội trở lại khiến năng suất làm việc giảm, và các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam - nơi nhà cung cấp cho nhiều công ty toàn cầu đặt nhà máy - hoạt động dưới công suất. Tiêm phòng là chìa khóa để đưa toàn bộ các hoạt động kinh tế quay lại.

"Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn và khó khăn kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài bởi dịch bệnh, trong khi các nước khác trong khu vực đã dễ dàng hơn nhờ tiêm chủng thành công" - Tiến sĩ Greeni Maheshwari nhận định.

Còn Tiến sĩ Greeni Maheshwari chỉ ra rằng, khi công nhân sản xuất được tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp duy trì sản xuất.

“Việc tiêm chủng sẽ có lợi với các nhà máy nơi hàng nghìn công nhân làm việc trong khoảng cách gần. Đợt tiêm chủng này sẽ giúp chống lại virus và đảm bảo sức khỏe tốt cho người lao động, từ đó nâng cao sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế nói chung” - bà Greeni Maheshwari nói.

Tiến sĩ Greeni Maheshwari và Tiến sĩ Daniel Borer. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Maheshwari cũng ca ngợi cộng đồng Việt Nam đã chung tay cùng Chính phủ chống dịch bằng cách ủng hộ cho chương trình tiêm chủng.

Một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay được các chuyên gia chỉ ra là đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, đặc biệt là thực hiện giãn cách.

“Miễn dịch cộng đồng được cho là đạt khi 60-80% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nếu Việt Nam chờ để đạt miễn dịch cộng đồng trước khi khôi phục kinh tế, thì những tháng quý giá sẽ mất đi và nhiều công ty có thể sẽ phá sản” - Tiến sĩ Borer cho biết và bày tỏ chúng ta có thể triển khai một hệ thống với doanh nghiệp có 60% nhân viên được tiêm chủng đầy đủ để trở lại hoạt động bình thường.

Đẩy nhanh triển khai tiêm chủng để tiến tới giai đoạn hậu COVID-19

Dù hầu hết các doanh nghiệp đang gặp trở ngại lớn, nhưng theo một báo cáo về kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn ghi nhận mức xuất siêu khoảng 370 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2021, còn mức nhập siêu chỉ 2 triệu USD trong tháng 5.2021.

Tiến sĩ Maheshwari tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế nước nhà sẽ tăng trưởng trở lại khi các chiến dịch tiêm chủng thần tốc hoàn thành.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam (đơn vị: tỉ USD). Nguồn: TradingEconomics.com

Bà cho biết: “Dù vốn FDI đã giảm đáng kể do suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng như thể hiện trong số liệu song Việt Nam vẫn là một quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư. Việt Nam đã phục hồi thành công ở ba đợt bùng phát trước, do đó một khi làn sóng thứ tư được kiểm soát, sẽ không để lại nhiều tác động đến nền kinh tế trong tương lai. Triển khai tiêm chủng cũng sẽ giúp một số ngành như sản xuất và du lịch phục hồi hoạt động. Điều này sẽ mang lại tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian tới”.

Tiến tới giai đoạn hậu COVID-19, Tiến sĩ Maheshwari đề xuất một số biện pháp giúp Việt Nam duy trì vị trí trung tâm sản xuất của thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài.

“Để thu hút đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, cần thúc đẩy hoặc thực hiện phát triển một số mảng như cải thiện các cơ sở cảng biển, phát triển cảng biển mới, tiếp tục xây dựng đường xá, đường cao tốc và thành lập các khu kinh tế mới. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư bằng cách gỡ bỏ bớt rào cản không cần thiết, giảm thời gian thiết lập doanh nghiệp có thể thúc đẩy ý định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư” - bà Maheshwar chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn