MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm không gian để hạ lãi suất. Ảnh: Hải Nguyễn

Chuyên gia: Sẽ có thêm đợt giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 5

Đức Mạnh LDO | 28/03/2023 09:23

Giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm lại và áp lực với các doanh nghiệp cũng dần giảm bớt. Ngân hàng Nhà nước từ đó sẽ có thêm không gian để hạ lãi suất.

Theo thống kê của ông Quản Trọng Thành - Giám đốc khối phân tích tại Maybank Investment Bank, trong vòng tháng 1, 2 của năm 2023, lãi suất đã hạ nhiệt, giảm xuống mức 10% và hiện tại đến tuần này chỉ xung quanh 9%. Lãi suất bình quân tiền gửi dài hạn dao động khoảng 8%.

"Chúng tôi cho rằng, hiện tại, lãi suất đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức khá cao và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, nhu cầu tiêu dùng. Lãi suất cho vay doanh nghiệp cũng hạ nhiệt. Nhưng nếu so với mức bình thường thì mặt bằng lãi suất hiện tại bắt đầu từ lãi suất cho vay sẽ phải giảm đâu đó khoảng 1 - 1,5%", ông Thành cho biết.

Vị chuyên gia dự báo, lãi suất của FED sẽ đạt đỉnh vào tháng 6 và đồng đô la Mỹ sẽ không thể tăng quá mạnh, cộng với nếu lạm phát tháng 3 hạ nhiệt thì áp lực trong điều hành tỷ giá ở Việt Nam cũng sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm không gian để hạ lãi suất.

Ông Quản Trọng Thành nói: "Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách thận trọng thêm 2 - 3 tháng nữa. Khi nào Ngân hàng Nhà nước nhận thấy lạm phát ổn định thì sẽ có động thái cắt giảm rõ rệt hơn. 

Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm đợt giảm lãi suất điều hành vào tháng 7. Nếu diễn biến nhanh thì có thể xảy ra sớm hơn ngay trong tháng 5, 6".

Các chuyên gia nhận định về lãi suất trong chương trình Talkshow Phố Tài chính. Ảnh: Đức Mạnh

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Chung - Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Smart Invest (AAS) - đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã có một bước đi khá nhanh, tác động khá tích cực đối với thị trường tài chính và thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay chưa được tác động nhanh. 

"Hiện tại, giai đoạn phát triển tiền tệ cũng đang chậm dần lại. Việt Nam hoàn toàn có nhiều thuận lợi để áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. Thực tế ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đều đang áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng", ông Chung nêu quan điểm.

Theo đó, giảm lãi suất là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam trong thời gian tới. Bởi lẽ nỗi lo về lạm phát sẽ chuyển sang nỗi lo về giảm phát và suy thoái sau một số sự kiện đổ vỡ ngân hàng vừa rồi. Trong nước, ông Chung kỳ vọng sẽ có những nhịp điều chỉnh tích cực trong xu hướng lãi suất vào thời gian tới. Khi tỷ giá vẫn còn giữ được ổn định, Việt Nam sẽ không cần dùng đến các biện pháp về chính sách để điều chỉnh lãi suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn