MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia trò chuyện cùng phóng viên Báo Lao động trong chương trình Tài chính thông minh. Ảnh: Đức Mạnh

Chuyên gia tài chính cá nhân hé lộ cơ hội đầu tư không nên bỏ lỡ

Đức Mạnh LDO | 06/01/2023 12:51

Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập và điều hành CTCP FIDT và ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại CTCP FIDT - tin rằng 2023 sẽ là cơ hội lớn nhất trong hai thập kỷ qua về mặt đầu tư và tài chính cá nhân. Cơ hội sẽ lớn và giống như một buổi giao mùa, không nên để vượt qua khỏi tầm tay.

Không chỉ là nhà sáng lập và điều hành CTCP FIDT, ông Huỳnh Minh Tuấn còn là Giám đốc Hội sở CTCK Mirea Asset và cựu Giám đốc phát triển kinh doanh CTCK VNDirect. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong quản lý gia sản và tư vấn đầu tư.

Ông Ngô Thành Huấn là Giám đốc Khối Tài chính cá nhân tại CTCP FIDT. Ông còn là Thạc sĩ hiếm hoi chuyên về hoạch định tài chính cá nhân được đào tạo tại Úc. Ông Huấn được biết đến với hơn 10 năm trong quản lý tài chính doanh nghiệp (CFO/FM) và tài chính cá nhân.

Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với hai nhân vật dày dặn kinh nghiệm này xung quanh chủ đề triển vọng của các kênh đầu tư trong năm 2023 và cách thực hiện những mục tiêu tài chính.

Ông Huỳnh Minh Tuấn và ông Ngô Thành Huấn trò chuyện cùng phóng viên Báo Lao Động trong chương trình Tài chính thông minh. Ảnh: Đức Mạnh 

Cơ hội như buổi giao mùa, không nên để vụt mất

Nói về bức tranh tài chính, đặc biệt là tài chính cá nhân trong năm 2022 vừa qua, ông sẽ nhận xét như nào?

- Ông Huỳnh Minh Tuấn: Trong năm 2022, nền kinh tế như chiếc tàu lượn. Chúng ta phục hồi vào đầu năm. Sau đó với những áp lực từ vĩ mô trong và ngoài nước thì đã gặp khó khăn vào quý II và quý III. Sang tới quý IV thì kinh tế lại tiếp tục phục hồi từ từ. 

Ngay những ngày đầu năm 2023, chúng ta đã thấy những yếu tố vĩ mô đã được cải thiện. Ở nước ngoài, FED đã tăng chậm lãi suất, từ đó tác động tích cực lên tỉ giá. Đồng thời giúp dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam kéo dài gần hai tháng qua.

Có thể nói chúng ta đang đi qua vòng lượn đáy, tức nền kinh tế đã bắt đầu tốt hơn kể từ cuối năm 2022. Ta có thể kỳ vọng vào năm 2023 sẽ tốt đẹp hơn và mở ra cơ hội đầu tư trên đa lớp tài sản. 2022 cũng tạo ra cơ hội mà tôi đánh giá là lớn nhất trong vòng hai thập kỷ. Các thị trường và định giá của nhiều lớp tài sản đều trở nên hấp dẫn. Cơ hội sẽ lớn và y như một buổi giao mùa, không nên để vượt qua khỏi tầm tay.

Bước sang năm mới, quan điểm của ông về kinh tế 2023 sẽ như thế nào?

- Ông Ngô Thành Huấn: Xét trên lớp tiền gửi kỳ hạn, theo thống kê phân tích của FIDT, các đối tác và định chế tài chính lớn tại Việt Nam, dự kiến đỉnh của lãi suất sẽ rơi vào khoảng quý II.2023. Như vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỉ trọng vào kênh tiền gửi kỳ hạn trong khoảng 6 tháng đầu năm 2023.

Về lớp bất động sản, lãi suất còn tăng thì còn nhiều rủi ro. Ngoài phân khúc bất động sản dân sinh và căn hộ vẫn giữ được thanh khoản và tăng trưởng thì các dự án hoặc bất động sản có tính đầu cơ cao đang chịu rất nhiều thiệt hại. 

- Ông Huỳnh Minh Tuấn: Đây là thời điểm tích sản thuận lợi nhất trong vòng một thập kỷ tiếp theo. Trong vòng 23 năm vận hành, P/E của thị trường chứng khoán đang ở đáy lịch sử. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô đang khỏe và đi qua vòng lượn từ xấu sang tốt thì đây là một cơ hội của đầu tư tích sản và đầu tư nắm bắt cơ hội.

Một minh chứng rất rõ trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12.2022, khối ngoại đã mua ròng 25.000 tỉ đồng, cao kỷ lục lịch sử. Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn và có tỉ lệ nợ vay thấp mà họ mua gom sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập và điều hành CTCP FIDT. Ảnh: Đức Mạnh

Vạch lối tới mục tiêu tài chính

Để đạt được những kỳ vọng đó thì cần xác định mục tiêu tài chính ra sao?

- Ông Ngô Thành Huấn: Xác định mục tiêu tài chính giúp chúng ta biết được điểm cần muốn đến và quãng đường sẽ đi như thế nào. Đồng thời có thể tiết kiệm nguồn lực, thời gian để không bị lãng phí quá nhiều vào những việc không đáng và hạn chế nhu cầu trong ngắn hạn.

- Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tôi hay ví von bạn đi lạc đường không đáng sợ bằng không biết đường. Khi có kế hoạch thì chúng ta cứ tuân thủ kỷ luật và tiến hành thì mục tiêu mới nhanh đến chứ không phải trông chờ vào vận may. 

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối Tài chính cá nhân tại FIDT. Ảnh: Đức Mạnh

Với kinh nghiệm dày dặn của mình, làm thế nào để vạch ra lộ trình tài chính trong năm nay thưa ông?

- Ông Ngô Thành Huấn: Bước đầu tiên là liệt kê tình hình tài chính của mình, bao gồm tài sản và dòng tiền. Tài sản gồm tiền gửi, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu. Dòng tiền đến từ lương, tiền thuê nhà, tiền gửi tiết kiệm… Đồng thời thêm các khoản chi tiêu từ thiết yếu đến theo nhu cầu, cũng như những khoản tiết kiệm. 

Bước hai là đánh giá rằng để đi đến mục tiêu tài chính mong muốn thì dòng tiền và tài sản sẽ biến chuyển như nào như lộ trình tăng thu nhập, quản lý chi tiêu... Từ đó lọc các sản phẩm tài chính phù hợp với mục tiêu mong muốn. Ví dụ muốn tăng tổng tài sản thêm 11% thì bao nhiêu % là tiền gửi, bất động sản, chứng khoán…

Bước ba là thực hiện mục tiêu đó bằng những sản phẩm tài chính và kiên nhẫn chờ đợi thành quả.

Bước cuối cùng là đánh giá lại. Ở góc độ là người tư vấn, tôi hay khuyến nghị định kỳ 6 tháng một lần chúng ta cần đánh giá xem có nên tiếp tục gửi tiền hay không, khoản vay mua nhà cần điều chỉnh như nào, cân đối tỉ trọng cổ phiếu…

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ. Chúc hai ông năm mới an khang, thịnh vượng!

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn