MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS. Hoàng Thị Bảo Thoa - giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chuyên gia tài chính cá nhân "mở túi khôn", chỉ cách để tiền luôn rủng rỉnh

Đức Mạnh LDO | 25/02/2022 07:24
Trò chuyện trong chương trình Tài chính thông minh số 3 của báo Lao Động, chuyên gia tài chính cá nhân - TS Hoàng Thị Bảo Thoa chỉ ra hai cách chính để củng cố sự giàu có là tăng tổng tài sản và giảm nợ.

Tiếp nối số 2 với chủ đề "Bài học "xương máu" về tiền mà COVID-19 dạy chúng ta", sang số 3 của chương trình Tài chính thông minh, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) hé lộ thực tế: “đừng thấy sang chảnh mà tưởng giàu”.

Theo vị tiến sĩ, nhiều người có thu nhập cao và sở hữu nhiều tài sản nhưng lại luôn trong tình trạng vay nợ nhiều, thậm chí chưa hết tháng đã hết tiền. Như vậy, lương cao, có xe, có nhà chưa chắc đã là người giàu có.

"Mỗi người phải quản lý được tài sản ròng hay còn gọi là tài sản thực có của mình chứ không chỉ nhìn vào tổng tài sản. Người giàu có thực sự là người có tài sản ròng lớn", bà Thoa nói.

Theo đó, tài sản ròng hay tài sản thực có được xác định bằng tổng tài sản trừ tổng nợ. Để tính tổng tài sản, bạn đem cộng tất cả tiền mặt, vàng, tiền gửi ngân hàng, nhà cửa, xe cộ, chứng khoán, quĩ bảo hiểm, các khoản cho vay và góp vốn kinh doanh (nếu có).

Một số người mua đồ hiệu, chơi đồ cổ, cây cảnh... những thứ này cũng có thể coi là tài sản nhưng cần lưu ý đến khả năng chuyển đổi và sự mất giá.

Còn tổng nợ sẽ được tính bằng tổng nợ ngân hàng, nợ thẻ tín dụng và các khoản vay khác (nếu có). 

Nhìn vào công thức tính tài sản ròng, chuyên gia tài chính cá nhân chỉ ra hai cách chính để tăng con số này lên. Cách thứ nhất là tăng tổng tài sản và cách thứ hai là giảm nợ. Lý tưởng nhất là triệt tiêu toàn bộ nợ nếu chưa có nhiều kiến thức về đầu tư. 

Để tăng được tổng tài sản thì một người cần tìm cách tăng thu nhập của mình hoặc giảm chi tiêu. Bà Thoa phân tích: "Nhiều người nói "tiết kiệm thì không giàu được, tìm cách kiếm nhiều tiền thì hơn", thật ra cũng đúng. Nhưng các bạn cần hiểu rằng, kiếm thêm tiền là một khả năng nhưng với mỗi đồng bạn tiết kiệm được thì đó chắc chắn sẽ là của bạn!"

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa đưa ra lời khuyên: "Để nhanh chóng giảm nợ, các bạn cần ưu tiên trả nợ trước khi chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu. Giảm nợ không những giúp bảo vệ được tài sản ròng mà còn tránh được lãi suất từ khác khoản vay. Đặc biệt là lãi suất kép!"

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, quý độc giả đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được đăng tải trên laodong.vn vào tối thứ Năm hàng tuần, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn