MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số công ty bảo hiểm nhân thọ cho phép đóng phí linh hoạt từ năm thứ 4 của hợp đồng. Ảnh: Đức Mạnh

Chuyên gia tiết lộ cách chia nhỏ phí đóng bảo hiểm khi thu nhập giảm sút

Đức Mạnh LDO | 04/08/2023 21:37

Phương án chia nhỏ phí bảo hiểm cần đóng dù không thay đổi số tiền phải đóng nhưng lại giúp người giảm áp lực khi thu nhập trồi sụt thất thường.

Một khán giả có tên Thanh Phong gửi thư về chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) với nội dung: "Tôi đang sở hữu gói bảo hiểm nhân thọ của công ty B với mức phí đóng là 25 triệu đồng/năm, đóng phí vào tháng 8 hàng năm. Do tình hình kinh doanh không khả quan, công ty luân chuyển tôi sang bộ phận khác với mức lương chỉ còn 15 triệu đồng, giảm nửa so với trước kia. Tôi đang phân vân không biết có nên tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm khi mức thu nhập chỉ còn 50% và hạn đóng bảo hiểm sắp gần kề".

Trả lời, bà Nguyễn Thu Giang - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - chỉ ra 5 cách mà anh Thanh Phong có thể xem xét thực hiện để tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bản thân:

Thứ nhất, anh Phong có thể đề nghị với công ty bảo hiểm để thay đổi tần suất đóng phí thành 3 tháng, 6 tháng nhằm mục đích chia nhỏ phí bảo hiểm cần phải đóng. Phương án này tính bình quân thì không thay đổi số tiền phải đóng nhưng lại giúp anh Phong không chịu áp lực khi thu nhập đang giảm mạnh.

Thứ hai, một số công ty bảo hiểm nhân thọ cho phép đóng phí linh hoạt từ năm thứ 4 của hợp đồng. Công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ sử dụng phần tiền tích lũy trong giá trị tài khoản và chi trả cho các khoản phí duy trì hợp đồng như phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm rủi ro, phí ban đầu... Theo đó, anh Phong có thể đóng phí ít hơn hoặc bỏ qua một vài lần đóng phí mà vẫn được bảo vệ.

Tuy nhiên, đây là phương án nên sử dụng có kiểm soát. Anh Phong cần kiểm tra với công ty bảo hiểm nhân thọ xem giá trị tài khoản của hợp đồng cũng như các loại chi phí để đảm bảo việc vẫn còn tiền tích lũy trong giá trị tài khoản. Vì khi giá trị tài khoản không đủ bù đắp cho các loại chi phí, thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của anh Phong sẽ mất hiệu lực.

Bà Nguyễn Thu Giang chia sẻ về 5 cách để tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi thu nhập sụt giảm. Ảnh: Đức Mạnh

Thứ ba, anh Phong được gia hạn đóng phí bảo hiểm, thường là trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đến hạn đóng phí. Trong khoảng thời gian này, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn được duy trì hiệu lực. Kết thúc thời gian gia hạn đóng phí, anh Phong phải đóng đầy đủ khoản phí còn thiếu cho công ty bảo hiểm. Nếu không thể đóng được khoản phí này thì hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực, trừ khi anh Phong vẫn còn tiền tích lũy trong giá trị tài khoản hợp đồng để chi trả cho các loại phí bảo hiểm.

Thứ tư, anh Phong có thể cân nhắc giảm số tiền bảo hiểm cho các quyền lợi bảo hiểm hoặc dừng một vài quyền lợi bảo hiểm để giảm số phí phải đóng hàng kỳ. Khi nào thu nhập tăng trở lại, anh Phong có thể yêu cầu tăng số tiền bảo hiểm. Tuy nhiên khi đó, công ty bảo hiểm sẽ thẩm định lại tình trạng sức khỏe của anh Phong và có khả năng sẽ có loại trừ bệnh hoặc phí bảo hiểm rủi ro sẽ tăng do tình trạng sức khỏe dưới chuẩn.

Cách cuối cùng chỉ là giải pháp tình thế là có thể thực hiện vay công ty bảo hiểm tiền đóng phí với lãi suất. Số tiền được vay tối đa bằng giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm anh Phong đề nghị. Phương án này giúp tháo gỡ khúc mắc tài chính ngắn hạn và có thể đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp biến cố xảy ra. Tuy nhiên, mức độ khả thi của phương án này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách và tính linh hoạt của từng công ty bảo hiểm. Đồng thời việc phải trả thêm lãi suất vay cho phí bảo hiểm này là cần cân nhắc rất nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn