MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện về loại cây thoát nghèo trên vùng cao Sơn La

Khánh Linh - Lê Hạnh LDO | 11/10/2022 08:21
Vốn là cây mọc hoang dại, nhưng những năm qua, cây táo mèo (sơn tra) đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp bà con vùng cao thoát nghèo.

Những ngày đầu tháng 10 trên vùng cao Bắc Yên của tỉnh Sơn La, khi những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu thổi qua, cũng là lúc mùa sơn tra nơi đây chín rộ. Dưới lớp vỏ màu vàng chanh, má đào, những miếng sơn tra với đủ các vị chua, ngọt, chát nhẹ mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. 

Sơn tra giờ đây không chỉ còn là thứ cây mọc dại trên rừng, mà đã trở thành sinh kế mới, thứ cây làm giàu cho bà con vùng cao Sơn La. 

Những ngày này, nương sơn tra chín rộ của gia đình ông Mùa A Sự, ở bản Háng Chơ, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên luôn tấp nập, rộn ràng người thu hái, thu mua. Với hơn 10ha sơn tra, 5 năm trở lại đây, khi cây bắt đầu cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình ông Sự đã được cải thiện rõ rệt. 

 Những quả sơn tra chín mọng, chua rôn rốt hấp dẫn

Nhanh tay thu hái những quả sơn tra chín mọng để kịp giờ giao cho thương lái, ông Sự chia sẻ: "Trước đây cuộc sống gia đình chỉ làm nương làm rẫy, may mắn lắm mới đủ thóc ăn chứ đừng nói đến làm giàu. Sau đó may mắn được các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn trồng cây ăn quả, trồng táo mèo nên cũng mạnh dạn thử". 

Theo ông Sự, chỉ 5 năm sau khi trồng, cây đã cho ra những lứa quả đầu tiên. Đến nay gia đình ông đã thu hoạch được 5 năm, mỗi năm đạt sản lượng trên 10 tấn. Sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại thu về khoảng 30-40 triệu đồng.

"Nhờ có số tiền đó mà chúng tôi sắm sửa được đồ vật, sửa sang nhà cửa và có tiền cho các cháu đi học" - ông Sự phấn khởi nói.

 Sơn tra được hái từ trên cây xuống, đóng tải và giao cho thương lái

Chung niềm vui của những người dân bản trên rẻo cao, năm nay, 1ha táo của gia đình ông Mùa A Lồng (xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên) cũng đang cho thu hoạch quả. 

Ông Lồng chia sẻ: "Nhờ cán bộ xã hướng dẫn, chỉ bảo nên diện tích táo nhà tôi năm nào cũng thu quả đều và cho thu nhập ổn định. Trồng cây này lợi lắm, vừa có quả thu hoạch đem bán lại giữ được rừng nên bà con ở đây trồng rất tích cực".

Trao đổi với PV, ông Giàng A Nênh - Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên cho biết: "Xím Vàng có độ cao hơn 1.600m so với mặt nước biển, cây trồng chủ yếu là lúa và cây sơn tra. Những năm gần đây, loài cây này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp bà con xóa đói giảm nghèo". 

Sơn tra là cây trồng lợi ích kép trên vùng cao Sơn La, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giữ rừng.

Theo ông Nênh, sau thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình tiêu thụ sơn tra năm nay đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Thương lái đến tận vườn thu mua, thậm chí mua cả vườn, giá cả cũng gấp đôi so với năm trước. 

"UBND xã cũng luôn tuyên truyền cho bà con hiểu và nhân rộng mô hình này, bởi nó vừa mang lại hiệu quả kinh tế, lại góp phần giữ rừng ở những vùng núi cao" - vị lãnh đạo nói thêm. 

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, hiện trên địa bàn huyện có gần 2.600ha diện tích sơn tra. Trong đó, có khoảng 1.530ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung tại các xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng.

Những năm qua, huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây sơn tra theo hướng hiệu quả, bền vững phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm sơn tra nguyên liệu.

Cây sơn tra còn được trồng nhiều trên các xã vùng cao của huyện Mường La, Thuận Châu nơi mây mù quanh năm bao phủ và có nhiệt độ mát mẻ. Cây Sơn tra bắt đầu cho thu hoạch quả từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn