MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá lợn hơi tăng sốc đẩy giá thịt lợn trên thị trường tăng cao, có nơi lên tới 200.000 đồng/kg. Ảnh: KH.V

Có dấu hiệu thương lái “làm giá”

PHONG NGUYỄN LDO | 12/11/2019 18:50

Ngày 11.11.2019, giá lợn hơi trên thị trường tự do đã chính thức đạt mức 75.000 đồng/kg, có nơi đạt mức 77.000 đồng/kg. Dự báo giá lợn hơi sẽ nhanh chóng cán mức 80.000 đồng/kg nếu 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương không kịp thời có động thái xử lý.

Giá tăng bất thường

Từ đầu tuần đến nay, giá lợn hơi liên tục “nhảy múa” từng ngày. Đến ngày 11.11.2019, giá lợn hơi tại miền Bắc đã chính thức đạt mức 73.000-75.000 đồng/kg, tăng từ 1.000-2.000 đồng so với ngày 10.11.2019. 1.000-2.000 đồng/kg ở nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, giá lợn đạt đỉnh 73.000 đồng/kg, tại một số thời điểm trong ngày, giá lợn lên mốc 75.000-77.000 đồng/kg đối với những đàn lợn đẹp. Tại nhiều tỉnh có quy mô chăn nuôi lợn tương đối khác giá lợn hơi cũng tăng “sốc” từng ngày: Hưng Yên: 72.000 đồng/kg; Tuyên Quang: 71.000 đồng/kg, tại Nam Định, Hà Nam, Thái Bình giá lợn hơi cũng cán mốc 70.000 đồng/kg…

Tại miền Trung giá lợn hơi cũng tăng mạnh, nhiều nơi đạt mức 72.000-73.000 đồng/kg (Nghệ An, Thanh Hóa). Nhiều nơi giá lợn “mềm” hơn nhưng cũng ở mức 60.000 đồng/kg - là mức cao nhất trong 4 năm gần đây.

Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng nối tiếp đà tăng và đã xấp xỉ 70.000 đồng/kg. Tại “thủ phủ” chăn nuôi lớn nhất nước (Đồng Nai), giá lợn hơi đã tăng 2.000-3.000 đồng/kg, đạt mức 67.000-68.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lợn hơi ở mức cao - trên 60.000 đồng/kg. Mặc dù có sự chênh lệch giá giữa 3 miền, nhưng hiện nay, hiện tượng vận chuyển lợn giữa các vùng (đặc biệt là từ Nam ra Bắc) đã giảm mạnh bởi giá lợn hơi tại miền Nam đang “phi mã” và gần đuổi kịp giá lợn hơi miền Bắc.

Giá lợn hơi ở mức cao đã đẩy giá thịt lợn trên thị trường tại các chợ dân sinh lên mức 130.000-140.000 đồng/kg, thịt loại ngon lên đến 160.000-170.000 đồng/kg, sức mua tại các chợ có dấu hiệu chững lại.

Theo Bộ NNPTNT, giá thịt lợn tăng “sốc” không phải là do nguồn cung khan hiếm.

Thương lái “làm giá” tạo khan hiếm “giả”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - khẳng định: Giá lợn hơi trên thị trường đang có dấu hiệu bị thương lái thao túng, thương lái gom lợn hơi rồi “làm giá” để đẩy giá lợn lên mức cao nhằm tạo sự khan hiếm “ảo”. “Thương lái mua lợn của C.P (doanh nghiệp vốn được thị trường sử dụng như kênh tham khảo để quyết định giá lợn bán ra - PV) với mức 66.000 đồng/kg, nhưng bán ra với mức giá 73.000-74.000 đồng/kg để thổi giá” - ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.

Bên cạnh đó, khi bán ra, các thương lái cũng “tung tin” là khan hiếm lợn, khó mua lợn hơi trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn mà phải mua qua các đại lý cấp 1, 2… nên khi đến tay người giết mổ giá lợn hơi đã tăng từ 3-5 giá.

Về vấn đề này, cả Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đều biết. Chính vì vậy, chiều 11.11.2019, 2 bộ này đã có cuộc họp nội bộ bàn về cung ứng nguồn hàng phục vụ Tết, trong đó vấn đề nguồn cung thịt lợn được đưa ra mổ xẻ khá kỹ.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng: “Theo quy luật hằng năm, giá thịt lợn dịp cuối năm có thể tăng do xu hướng tăng giá dịp cuối năm của hàng hóa nói chung, ảnh hưởng của việc giá lợn tăng tại những thị trường láng giềng, nhu cầu tiêu dùng tăng” và tỏ ra lạc quan: “Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thì cung cầu các mặt hàng thực phẩm sẽ cơ bản được bảo đảm”.

Trước diễn biến giá lợn tăng cao, Sở Công Thương TPHCM cho biết, đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết trữ hàng để cung ứng cho Tết Nguyên đán 2020. Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - do nhu cầu tiêu thụ để sản xuất cho dịp Tết tăng nên giá thịt lợn càng về cuối năm có xu hướng tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp thịt lợn trong chương trình bình ổn cho biết vẫn đủ cung ứng. Để tránh tình trạng khan hiếm thịt lợn, Sở Công Thương đã đề nghị doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cho dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, VISSAN cam kết dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cam kết sẽ cho xuất chuồng lợn dưới tuổi 80-100 kg... “Nếu có đột biến xảy ra, thịt lợn trở nên khan hiếm, sở sẽ đề nghị các doanh nghiệp xả hàng dự trữ thịt lợn, đẩy mạnh nhập khẩu để cung ứng và bình ổn giá cho thị trường” - ông Nguyễn Phương Đông nói.

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, đã sẵn sàng phương án nhập khẩu thịt lợn để phục vụ Tết, không để người tiêu dùng không đủ thịt lợn trong dịp cuối năm. Hiện tại, Sở Công Thương Hà Nội đã khuyến khích cấp đông thịt lợn để dành ăn Tết. Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương Hà Nội tỏ ra lo ngại, khi Hà Nội có 1,6 triệu con lợn hiện tại nếu cấp đông toàn bộ sẽ có khoảng 112.000 tấn. Nếu chia cho nhu cầu của Hà Nội (trung bình mỗi tháng hơn 18.000 tấn thịt lợn) thì cũng chỉ được 6 tháng. “Bộ NNPTNT phải tính toán nếu giết mổ, cấp đông hết thì bao lâu được tái đàn; tái đàn bao lâu thì được giết mổ” - đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn