MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh. Ảnh: Quốc hội

“Có DN nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn ba trạo?”

Chung Vương Nguyên LDO | 26/05/2020 19:09
Chiều 26.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Một trong số đó là việc có nên cấm hay để kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục có những tranh luận về vấn đề này.

“Nên đổi tên gọi để nhẹ nhàng hơn”

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường, mà cần quy định điều kiện kinh doanh và chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng không nên quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6 Dự án Luật Đầu tư sửa đổi, mà nên thực hiện theo luật hiện hành; đồng thời đổi tên gọi là "Kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội

“Gọi như thế cho nhẹ nhàng hơn, cho thống nhất. Không thể ngành nào nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân, làm sao để nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn. Thực tế cấm mà nhu cầu xã hội rất cần thì vẫn tồn tại và hiện nay có những trường hợp trá hình nên chúng ta rất khó quản lý.

Tuy nhiên, phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh. Có như thế, tôi tin rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phức tạp như hiện nay việc kinh doanh thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen”- đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, trong hoạt động dân sự kinh doanh phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro và nợ quá hạn khó đòi, không đòi được là bình thường. Nếu không muốn nói là tất yếu trong xã hội.

Bên cạnh dịch vụ đòi nợ thuê, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như trọng tài, xét xử tại tòa, hòa giải đối thoại tại tòa án, lập dự phòng mua bán nợ, thế nhưng thực tế thủ tục qua trọng tài, tòa án mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục hành chính mà hiệu quả không cao, chỉ thu được 36% các vụ đã xử; còn nếu tính trên tổng số vụ việc thì rất thấp. Kể cả khi có bản án có hiệu lực, việc đôn đốc thi hành án cũng rất khó khăn.

Có doanh nghiệp nào mà NLĐ chủ yếu là người xăm trổ?

Trong khi không ít đại biểu cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê, thì nhiều đại biểu cũng đề xuất cần cấm dịch vụ này.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) dẫn chứng các con số: Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8.2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) (Ảnh: Quốc hội)

Bà cho rằng thực tế thời gian qua, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ. Vì thế cần thiết phải cấm loại hình kinh doanh này.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh – cũng cho rằng “không thể không cấm loại hình kinh doanh đòi nợ thuê”.

"Có lẽ đã có thời gian để tất cả chúng ta quan sát. Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn ba trạo. Công cụ lao động để đạt được mục đích ở đây là dao kiếm và phương thức lao động là dùng vũ lực, đe dọa.

Tôi cho rằng, hoạt động đấy trong thực tiễn đã tổng kết, nếu để dịch vụ đòi nợ thuê thì sẽ ảnh hưởng tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của nhà nước trong quản lý xã hội bằng pháp luật. Và cơ bản gây ra hoang mang cho xã hội và một phần nào đó gây mất niềm tin của nhân dân”- đại biểu Bộ nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn