MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ đông Eximbank vẫn mong sẽ có một kỳ đại hội thành công. Ảnh: B.C

Cổ đông Eximbank lại ngóng đại hội cổ đông

Gia Miêu LDO | 05/02/2022 17:58

Kỳ vọng các nhóm cổ đông lớn của Eximbank sẽ tìm được tiếng nói chung tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 2 là điều các cổ đông ngân hàng này đang mong đợi.

Theo kế hoạch, Eximbank dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15.2.2022 để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24.1.2022.

Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27.4.2021 đã không thể diễn ra do không đủ số cổ đông tham dự. Vào cuối tháng 7/2021, Eximbank đã lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 và một cuộc họp bất thường, tuy nhiên vẫn bất thành do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Theo tài liệu của cuộc họp bất thường nói trên, một nhóm cổ đông dự định trình đại hội đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 bao gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Tuy nhiên, đến nay Eximbank vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2021.

Câu chuyện cơm không lành canh không ngọt về nhân sự cấp “thượng tầng” ở Eximbank được xem là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Vấn đề tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, dẫn đến không thống nhất được tỷ lệ, ý kiến để tổ chức Đại hội là câu chuyện trở nên quá đỗi quen thuộc với Eximbank. Dường như ngân hàng này không có duyên với các kỳ ĐHĐCĐ khi liên tục tổ chức bất thành trong những năm gần đây. 

Do nhân sự cấp cao liên tục biến động, kết quả kinh doanh của Eximbank cũng bị ảnh hưởng không ít. Eximbank mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4.2021 với lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế cả năm 2021 đạt lần lượt 1.205 tỉ và 965 tỉ đồng, giảm gần 10% so với năm 2020.

Như vậy, Eximbank là ngân hàng đầu tiên báo lợi nhuận đi xuống trong năm vừa qua. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Eximbank sụt giảm do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi năm trước, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ 9,4%.

Năm 2021, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 13,8% lên mức 114.675 tỉ. Trong đó, nợ xấu nội bảng giảm 11,3% xuống còn 2.247 tỉ đồng và chiếm 1,96% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2,52% ghi nhận vào cuối năm 2020. 

Trước đó, Hội đồng Quản trị Eximbank cũng đã quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021, trong đó thay đổi hàng loạt chỉ tiêu tài chính trong năm 2021 so với kế hoạch đã trình cổ đông hồi đầu năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2021 điều chỉnh giảm từ 2.150 tỉ đồng xuống 1.300 tỉ đồng, tương đương mức giảm ròng 850 tỉ (40%) so với kế hoạch ban đầu.

Trong năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 2.500 tỉ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỉ lên 1.159 tỉ đồng.

Đóng cửa ngày 28.1.2022, EIB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất ngành ngân hàng với mức tăng 6,1%, qua đó xác lập đỉnh mới tại 37.450 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 2,9 triệu cổ phiếu, gấp 7 lần so với phiên liền trước.

Đây cũng là phiên gây chú ý với giao dịch thoả thuận của khối ngoại. Cụ thể, có hơn 20 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thoả thuận ở giá sàn 32.850 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị 657 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn