MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu chuyện chia cổ tức sẽ hâm nóng kỳ đại hội cổ đông ngành ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Cổ đông ngân hàng háo hức chờ cổ tức

Gia Miêu LDO | 24/01/2023 11:26

Nỗi niềm bức xúc của các cổ đông ngân hàng sau nhiều năm không được chia cổ tức sẽ được giải toả khi một số ngân hàng đã bắt đầu công bố kế hoạch chi cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm nay.

Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm 2022 vừa qua, rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đã phải đau đầu với câu hỏi chất vấn của các cổ đông liên quan đến vấn đề vì sao lợi nhuận cao nhưng vẫn không chia cổ tức cho cổ đông.

Đơn cử như trường hợp của Sacombank, theo số liệu tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại tính đến cuối năm 2021 là gần 9.000 tỉ đồng, xấp xỉ 50% vốn điều lệ Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, do Ngân hàng vẫn đang thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập thêm Southern Bank, nên việc chia cổ tức phải chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Từ năm 2019 tới nay, Sacombank liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông, nhưng chưa nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Không chỉ Sacombank, mà với các ngân hàng khác đang tái cơ cấu, hay một số ngân hàng yếu kém, thuộc diện kiểm soát đặc biệt đều chưa được phép chia cổ tức cho cổ đông. Các ngân hàng này phải dành nguồn lực để trích lập dự phòng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 01 là khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trước đó, ba năm liên tiếp, các tổ chức tín dụng đã thực hiện định hướng của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu khởi động lại hình thức phân phối lợi nhuận này trong năm 2023.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức. Ảnh: Anh Dũng 

Trước đó, trả lời với chất vấn của các cổ đông, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, ngân hàng cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng. Ông cũng muốn ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công. Dự kiến, năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác, như chia cổ tức, bán 32,5% cổ phần từ khoản nợ VAMC, ông Minh nói.

Một số ngân hàng thương mại cũng đã có thông tin về việc chia cổ tức cho các cổ đông trong năm 2023. Với kết quả kinh doanh tích cực năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỉ đồng, tăng 32% so với năm trước, VIB cho biết sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của NHNN. Nếu phương án trên được đại hội thông qua và NHNN chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.

VPBank cũng đã dự kiến từ năm 2023 sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt với 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Ngân hàng ACB cũng có kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được NHNN chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu. 

Hay như ngân hàng TPBank (TPB) cũng vừa có thông báo chốt danh sách cổ đông vào 17.1.2023 để lấy ý kiến về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023. Thời gian thực hiện lấy kiến là từ ngày 31.1 – 12.2.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn