MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ tức luôn là vấn đề nhiều cổ đông quan tâm. Ảnh: Trà My

Cổ đông ngân hàng - người rủng rỉnh, kẻ héo mòn đợi cổ tức

HƯƠNG NGUYỄN LDO | 22/05/2023 10:20

Lợi nhuận lãi nghìn tỉ đồng, hiện đã 6 ngân hàng công bố chia cổ tức cho cổ đông. Bên cạnh đó, có ngân hàng cả chục năm không chia cổ tức vì nhiều lí do khiến cổ đông bức xúc. Có Chủ tịch HĐQT ngân hàng lý giải muốn giữ lại lợi nhuận chưa phân phối để tiếp tục tái đầu tư, có ngân hàng trong diện tái cơ cấu nên chưa được chia cổ tức.

Hàng chục nghìn tỉ đồng cổ tức

Tổng số tiền mà các ngân hàng VPBank, TPBank, ACB, MB, VIB, HDBank dùng để chi trả cổ tức cho cổ đông dự kiến hơn 23.000 tỉ đồng.

Liên tiếp trong nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lí nợ xấu. Tuy nhiên, cổ đông ngân hàng năm nay vui hơn khi Ngân hàng Nhà nước đã “bật đèn xanh” cho chia cổ tức bằng tiền.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ VPBank năm 2023, ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank - cho biết: “Sau 10 năm, đã đến lúc chúng tôi chia cổ tức bằng tiền mặt. VPBank chia cổ tức tiền mặt tỉ lệ 10% trong năm 2023, tương đương 1.000 đồng/CP, thực hiện vào khoảng quý 2 - quý 3. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt là 7.934 tỉ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31.12.2022”.

 Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank - cho biết: “Chúng tôi có chiến lược chia cổ tức tiền mặt 5 năm liên tiếp. Với nền tảng vốn có hiện nay có đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm, đủ để được phép chia cổ tức bằng tiền mặt trong phạm vi 30% lợi nhuận hàng năm”.

Một ngân hàng chịu chi cổ tức cho cổ đông là TPBank. Năm nay “bank tím” mạnh tay chi ra 3.955 tỉ đồng trả tiền cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết: “Nếu tiếp tục hoạt động thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông với cả hai hình thức là tiền mặt và cổ phiếu”.

MB cho biết kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỉ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỉ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 15%. Còn 2.266 tỉ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỉ lệ 5%.

VIB đều đặn nhiều năm duy trì việc chi cổ tức cao cho cổ đông. Năm nay VIB chi 35% cổ tức cho cổ đông, với mức tối đa 15% cổ tức tiền mặt, 20% cổ phiếu thưởng. Trước đó, VIB đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỉ lệ 10% vào ngày 3.3, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.

ACB cho biết sẽ sử dụng gần 8.444 tỉ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỉ lệ chia dự kiến là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Cổ đông "dài cổ" đợi cổ tức

Bên cạnh các ngân hàng công bố chia cổ tức khủng thì có những ngân hàng nhiều năm không chia cổ tức.

Lùm xùm nhất mùa ĐHCĐ năm nay là câu chuyện Sacombank. Các video cổ đông bức xúc phát biểu tại ĐHCĐ Sacombank chất vấn việc nhiều năm không chia cổ tức lan truyền mạnh trên Tiktok, Facebook… Sau đó, ngân hàng này tiếp tục rơi vào tranh cãi với Facebooker có tiếng trong giới kinh doanh xung quanh câu chuyện cổ tức và điều hành của Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Sacombank năm nay công bố lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại hơn 3.741 tỉ đồng. Cùng với hơn 8.930 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank hiện giữ lại 12.672 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất lũy kế. Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh giải thích hiện ngân hàng vẫn đang trong diện tái cơ cấu, xử lí nợ xấu. Sacombank đã trình NHNN cho phép bán đấu giá phần cổ phần của ông Trầm Bê và phấn đấu giải quyết trong năm nay xong sau đó sẽ chia cổ tức.

Techcombank cũng là cái tên khiến cổ đông “mòn mỏi” đợi cổ tức. Lí do Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh đưa ra là dùng lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đại diện lãnh đạo PVcomBank lí giải trước cổ đông lí do tiếp tục không chia cổ tức là do “NHNN nói không chia cho đến khi hoàn thành tái cơ cấu. Ngân hàng cần dành nguồn lực trích lập để cơ cấu, tăng cường chất lượng tài sản của ngân hàng”.

PG Bank không chia cổ tức nhiều năm qua. Nguyên Chủ tịch PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết, năm 2023, cổ đông lớn Petrolimex vừa tiến hành thoái vốn. Nếu chia cổ tức thì PG Bank có khả năng chia đến khoảng hơn 40%. Việc chia cổ tức trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các quyết định của các cổ đông mới.

NCB cũng trải qua cả một thập niên không chia cổ tức. Hiện ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn