MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những chiếc bánh kem có in hình bức tranh có thể ăn được của cô gái 9x Nguyễn Thị Việt Trinh. Ảnh: Mỹ Lệ

Cô gái 9x mang tranh vẽ lên bánh kem

Mỹ Lệ LDO | 08/10/2023 07:00

Bất ngờ khi được người yêu cũ tặng chiếc bánh kem có in hình bức tranh ăn được, Nguyễn Thị Việt Trinh (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đã quyết định từ bỏ công việc nhân viên văn phòng để tìm tòi, nghiên cứu quá trình làm ra những sản phẩm độc đáo này.

Từng làm công việc truyền thông - marketing, mức thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng, thế nhưng sau vài năm đi làm, Nguyễn Thị Việt Trinh thấy bản thân không phù hợp nên chuyển sang khởi nghiệp làm bánh kem.

Từ sự thích thú, tò mò ban đầu, sau 4 năm kiên trì theo đuổi, Việt Trinh đã phát triển thành công bộ môn vẽ bánh nghệ thuật này.

Việt Trinh hạnh phúc khi được sống đúng với đam mê. Ảnh: Mỹ Lệ
Việt Trinh chia sẻ, vào thời điểm năm 2019, tại Việt Nam, bánh kem có in hình bức tranh ăn được chưa phổ biến. Để theo đuổi đam mê, cô phải sử dụng nguyên liệu cũng như dụng cụ nhập khẩu.

“Vì quá yêu thích bộ môn này, tôi lấy hết khoản tiền tiết kiệm được 180 triệu đồng để đầu tư máy móc và thuê mặt bằng làm bánh. Sau đó, tôi vay thêm 100 triệu đồng để đi học chuyên sâu bộ môn. Thời điểm đó, có những ngày tôi chỉ ngủ có 3 tiếng” - Trinh bộc bạch.

Nhìn lại những ngày đầu làm bánh, cô mỉm cười chia sẻ, bản thân là một người khá vụng về. “Mới đầu, tôi chưa nắm được kỹ thuật làm bánh, chưa biết cảm và phối màu cho bức tranh nên làm hỏng rất nhiều. Có khi, một ngày tôi đổ hơn chục chiếc bánh. Rồi đem cho gia đình, bạn bè ăn không hết” - Việt Trinh kể.

Điểm mạnh của những chiếc bánh kem này tạo ra là sự đa dạng về mẫu mã và sống động, bắt mắt... Theo Trinh, với dòng bánh kem thông thường, người làm thường chú trọng màu sắc thì với dòng bánh kem này, từ khâu chọn nguyên liệu đến trang trí phải có kỹ thuật quan sát và tạo hình để bánh trông sinh động và có hồn. Tiêu chí này hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ cũng như cảm nhận màu sắc thực tế của người làm.

Các công đoạn làm bánh được Việt Trinh thực hiện tỉ mỉ và chăm chút. Ảnh: Anh Tú

Việt Trinh cho biết, để tạo ra chiếc bánh kem có vẽ hình ăn được không khó. Chỉ cần nắm kỹ thuật in, phối màu, pha màu thì có thể vẽ tất cả những gì mà khách hàng yêu cầu.

Quy trình tạo ra chiếc bánh kem độc đáo này gồm có phần bánh kem và tranh vẽ. Phần bánh kem được tạo ra giống như những chiếc bánh kem khác.

Phần độc đáo của chiếc bánh là tranh vẽ được sử dụng bằng nguyên liệu kẹo đường. Việt Trinh sẽ nhào nặn kẹo đường cho nhuyễn rồi cán mỏng ra từ 0,3 - 0,5 cm tùy theo khách hàng yêu cầu.

Sau khi chờ tấm kẹo khô trong 30 phút đến 1 tiếng, cô sử dụng cọ chì để vẽ những hình ảnh đã in sẵn lên bề mặt của kẹo đường, công đoạn cuối cùng là tô màu cho chúng. Cả cọ chì và màu vẽ đều được làm từ nguyên liệu thực phẩm. Sau khi tranh khô và đặt lên bánh là đã hoàn thành xong. Mỗi chiếc bánh như vậy thường được làm từ 2-3 tiếng đồng hồ.

Những chiếc bánh đã được Việt Trinh hoàn thiện. Ảnh: Mỹ Lệ

Tính đến nay, cô gái 30 tuổi đã thực hiện hàng trăm chiếc bánh nghệ thuật. Giá của mỗi bánh tùy thuộc vào độ phức tạp của bức tranh và kích thước của nó, trong khoảng từ 550.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Những mẫu bánh của Trinh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách hàng. Anh Trương Phước (ngụ quận Bình Thạnh) - một khách quen của Việt Trinh - cho hay: "Trước giờ, tôi nghĩ tranh chỉ để ngắm, để treo mà thôi nhưng không ngờ lại có những bức tranh có thể ăn được. Khi cầm trên tay những chiếc bánh này, tôi thấy rất thú vị và cảm nhận được sự chăm chút, tỉ mỉ của người làm”.

Ngoài kinh doanh bánh, Việt Trinh còn thực hiện công tác giảng dạy làm bánh. Ảnh: Mỹ Lệ
Hiện tại, Việt Trinh đang thực hiện song song việc giảng dạy, nghiên cứu và kinh doanh bánh kem nghệ thuật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn