MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có hay không việc thao túng giá vàng miếng SJC?

Lam Duy LDO | 31/05/2023 13:30

Chênh lệch giá vàng miếng SJC tiếp tục duy trì ở mức cao trong các ngày qua làm nóng lại chủ đề được dư luận quan tâm suốt một thời gian dài là có hay không việc thao túng giá vàng miếng SJC và vì sao mức chênh lệch giá quá cao so với giá vàng thế giới quy đổi như hiện nay?

Chênh lệch giá cao đột biến

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5.2023, tìm hiểu của Lao Động cho thấy giá vàng miếng thương hiệu SJC được niêm yết tại thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức chênh lệch xấp xỉ 11,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.

Mức chênh lệch này không gây ngạc nhiên với thị trường bởi trong suốt thời gian qua, giá vàng miếng SJC luôn duy trì mức chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới quy đổi. Nhưng diễn biến gây chú ý nhiều nhất là mức chênh ngày càng giãn rộng từ mức vài triệu đồng cách đây vài năm hiện lên tới cả chục triệu đồng, thậm chí có thời điểm từng lên tới 17-19 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất kể từ thời điểm SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia và nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng, khi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực. 

Vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất là có hay không việc thao túng giá vàng miếng SJC và mức chênh lệch giá quá cao như hiện nay chảy vào túi ai?

Trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐHQH Hà Nội) từng chỉ rõ những diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước như chênh lệch giữa giá vàng tại Việt Nam quá cao so với giá vàng trên thị trường thế giới, sự chênh lệch đến mức khắc nghiệt giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới hay giá vàng của các thương hiệu khác.

Bà Thủy cũng đặt vấn đề có hay không sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới và các thương hiệu khác đặc biệt tăng cao trong 1-2 năm trở lại đây. Ảnh: Hải Nguyễn 

Sự khan hiếm đang là vấn đề lớn nhất

Giải đáp cho những thắc mắc trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng không ít lần nhấn mạnh rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng khác bắt nguồn bởi chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, chênh lệch giá vàng không rơi vào doanh nghiệp nào và không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu như vậy.

Song các thông tin được NHNN công bố mới đây, mới giải đáp rõ ràng và đầy đủ nhất điều gì đang khiến giá vàng miếng SJC đắt đỏ quá mức với giá vàng thế giới cũng như với các thương hiệu khác.

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, NHNN mới đây có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện báo cáo tổng kết trình Chính phủ đánh giá toàn diện về quá trình triển khai Nghị định 24, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 và các văn bản khác có liên quan.

Nội dung dự thảo này cho thấy, sự khan hiếm về số lượng có thể mới là lí do lớn nhất dẫn đến tình trạng giá vàng miếng SJC ngày càng trở nên đắt đỏ hơn so với các thương hiệu khác.

NHNN chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ quan khiến vàng miếng SJC ngày càng đắt đỏ là nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường không được bổ sung mới, chỉ là nguồn vàng trong nước sẵn có từ năm 2013 trở về trước.

Thực tế để thực hiện mục tiêu hạn chế “vàng hóa” trong nền kinh tế, từ khi Nghị định 24 ban hành, NHNN chỉ tổ chức sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường vào năm 2013. Còn từ năm 2014 đến nay, NHNN chưa bán vàng miếng can thiệp thị trường.

“Trên thị trường, nguồn cung vàng miếng SJC hiện nay khan hiếm, nhiều thời điểm khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế, một số doanh nghiệp đã sử dụng chính vàng miếng SJC làm nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang 9999 và xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ thu ngoại tệ” - NHNN nhìn nhận.

Sự khan hiếm kéo theo một yếu tố khác là trong thời gian vừa qua, giá vàng biến động rất khó lường, các doanh nghiệp thường không dự trữ sẵn lượng lớn vàng SJC, không chủ động được nguồn cung vàng miếng SJC nên có tâm lí phòng thủ, thường niêm yết giá mua, bán vàng miếng SJC ở mức cao để phòng ngừa rủi ro.

“Đặc biệt khi giá thế giới càng xuống, chênh lệch giá vàng thường giãn rộng do nếu hạ giá vàng miếng SJC sát với giá thế giới, tâm lí mua vàng có thể gia tăng, trong khi các doanh nghiệp không đảm bảo đủ nguồn cung vàng miếng SJC đáp ứng thị trường” - NHNN nhận định.

Một điểm thú vị là dù chỉ rõ tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC trên thị trường, NHNN lại nhìn nhận cung cầu trên thị trường vàng thời gian qua vẫn tương đối ổn định, chưa phát hiện ra tình trạng đầu cơ, làm giá. 

Chênh lệch giá vàng đang tạo dư luận không tốt?

Theo tìm hiểu của Lao Động, trong dự thảo báo cáo quá trình triển khai Nghị định 24, có rất nhiều nội dung liên quan đến chênh lệch giá vàng được NHNN mang ra lấy ý kiến các bộ, ngành. Trong đó, có các ý kiến đánh giá chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế duy trì ở mức cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tâm lí xã hội, tạo ra dư luận không tốt đối với công tác quản lí, điều hành của Nhà nước. L.D


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn