MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam. Ảnh: NVCC

Cơ hội lớn từ APEC để dệt may Việt Nam phục hồi xuất khẩu

Đức Mạnh - Tuyết Lan (Thực hiện) LDO | 16/11/2023 06:18

Dệt may là một trong những ngành hưởng lợi lớn từ APEC khi đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu, mở ra những thị trường đầy tiềm năng. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam - về những cơ hội và thách thức mà APEC 2023 đặt ra với lĩnh vực này.

Thưa ông, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được kết quả nổi bật gì sau 25 năm gia nhập APEC?

- Sau khi gia nhập APEC, ngành dệt may Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn. Thứ nhất là có thị trường rộng mở trong khối APEC. Thứ hai, dòng vốn đầu tư có bước đột phá, đặc biệt là đầu tư vào một số lĩnh vực then chốt, phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Thứ ba, mức thuế trước đây khi chưa gia nhập APEC tương đối cao nhưng khi trở thành thành viên thì đã giảm đi đáng kể, góp phần tác động đến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn trong khối này. Ví dụ, Mỹ đã trở thành một trong như thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng trên 40%.

Ngoài việc dòng vốn FDI tăng trưởng đột phá, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trước đây có vốn nhà nước đã dần cổ phần hoá, chuyển từ quy mô vừa thành lớn. Trong đó không ít đơn vị đã hưởng lợi từ thị trường APEC tiềm năng này.

Trong thời gian qua, dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi xuất khẩu suy giảm. Vậy chúng ta nên tận dụng cơ hội tại APEC như nào để ngành dệt may phục hồi và tiếp cận trở lại những thị trường lớn?

- Việc tham gia vào APEC, WTO hay các tổ chức thương mại lớn sẽ giúp Việt Nam có thêm sức hấp dẫn trong đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Sau đại dịch COVID-19, chúng ta chịu áp lực về lượng hàng hoá tồn kho toàn cầu của những nước nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, hội nghị lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội. Tôi cho rằng, những nhà lãnh đạo tại APEC sẽ đưa ra giải pháp chiến lược cho cộng đồng các nước trong khu vực để phục hồi lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, mối quan hệ của các quốc gia và chiến lược phát triển đã được định hình lại.

Không những thế, khi nền kinh tế hội nhập vào chuỗi cung ứng đã đặt ra các yêu cầu về phát triển bền vững. Đây cũng là chủ đề mà hội nghị lần này đề cập khi hướng tới chuỗi cung ứng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Đây đồng thời là mục tiêu mà ngành dệt may định hướng xuất khẩu từ năm 2024 trở đi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện vẫn đang loay hoay với các tiêu chí xanh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Theo ông, chúng ta cần làm gì thông qua APEC để khắc phục khó khăn này?

- Phát triển bền vững bao gồm 2 yếu tố. Một là tuân thủ luật chơi toàn cầu và hội nhập thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là nước có mối quan hệ toàn diện với các quốc gia trên thế giới nên không riêng dệt may mà tất cả các ngành khác cũng cần tuân thủ theo luật chơi toàn cầu. Kể cả khi Việt Nam đưa ra các tiêu chí về sản phẩm nhập khẩu cũng cần có những yếu tố về tính bền vững.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đầu tư để thích ứng với yêu cầu của các nhà nhập khẩu về phát triển xanh, phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo… Có như vậy chúng ta mới có thể vững vàng trong cạnh tranh không chỉ về giá mà còn cả các yêu cầu khắt khe.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn