MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội và TPHCM là 2 "đầu tàu kinh tế" có khả năng thu hút được những dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Ảnh: TTXVN

Cơ hội Việt Nam đón các dự án đầu tư chất lượng cao từ các dịch chuyển

Long Vũ LDO | 06/06/2020 18:22

Làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp nước ngoài đang là cơ hội cho nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội có, nhưng không dễ dàng.

Cơ hội của Việt Nam tăng bởi khả năng khống chế dịch COVID-19

Theo Diễn đàn thương mại của Liên Hiệp quốc (UNCTAD) đánh giá sơ bộ về tác động của dịch COVID-19 đến đầu tư nước ngoài (FDI) và các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng là quốc gia có cơ hội đón làm sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong đó, các công ty đa quốc gia như Samsung, LG và rất nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã đang có kế hoạch chuyển các nhà máy rời Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, hoặc đã thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.

Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang Việt Nam. Điều này cho thấy, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh: Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, điều này cho thấy chính sách và môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam. Đặc biệt, khả  năng chống dịch COVID-19 hiệu quả là điểm cộng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn thế giới phải sống chung với đại dịch hiện nay.

Cạnh tranh để "hút" dự án đầu tư FDI công nghệ hiện đại

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: Khi các nước dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, thì các nước xung quanh, bao gồm cả Việt Nam, đều có cơ hội. Để nắm bắt cơ hội này, các yếu tố quan trọng cần có là môi trường kinh doanh thông thoáng và lực lượng lao động có tay nghề cao với chi phí hợp lý. 

“Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là các nước ASEAN và một số nước châu Á khác như Ấn Độ... Bởi vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam ít nhất cũng phải thông thoáng như các nước này thì mới có cơ hội thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao" – TS Nguyễn Đức Độ nói.

Theo  GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, tại khu vực Đông Nam Á thì Indonesia và Việt Nam là 2 quốc gia  được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lựa chọn. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu cũng có những động thái tương tự.

Tuy nhiên, kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2020, không có những dự án đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI. Tức là chưa thu hút được những dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, robot...

"Điều này cần phải được quan tâm hơn và có những giải pháp cải thiện trong thời gian tới”- GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn